Thu hồi đất giá rẻ nhưng bán đắt, khiến người dân bức xúc

Thứ Tư, 11/09/2019, 17:40
Chiều 11-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.


Trình bày báo cáo của Chính phủ tóm tắt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó trên một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, đó là: môi trường; đất nông - lâm trường; liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng….

“Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt (điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh)”, ông Khái dẫn chứng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

So với năm 2018, tổng số đơn thư các loại giảm 7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 3%, số đoàn đông người giảm 0,6% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%.

 Về khiếu nại, so với năm 2018 giảm 5,5% số đơn và giảm 6,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (67,7% tăng 5,9% so với năm 2018). Về tố cáo, so với năm 2018 giảm 11,3% số đơn nhưng tăng 6,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 66,5%.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay: Một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực đất đai như quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án có mục đích thương mại do có sự chênh lệch địa tô nên mặc dù vụ việc đã được giải quyết theo pháp luật nhưng công dân không nhất trí, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài với thái độ gay gắt, bức xúc...

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ tại sao khiếu nại luôn tập trung ở lĩnh vực đất đai, tập trung nhiều vào việc thu hồi đất của dân giao cho các dự án có liên quan đến thương mại. 

“Thu hồi theo con đường hành chính nên đây cũng là sai phạm nhiều, tham nhũng nhiều, do thu hồi đất giá rẻ nhưng khi bán lại rất đắt, khiến người dân rất bức xúc. Hiện Điều 62 về thu hồi đất có thể bị lợi dụng. Đề nghị Chính phủ tập trung làm rõ, nếu nói do Luật đất đai thì cụ thể là do điều khoản nào, nhất là từ vụ Thủ Thiêm...„ – bà Nga nói.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Bên cạnh đó, bà đánh giá cao sự nỗ lực quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong giải quyết khiếu nại tố cáo thời gian qua; bày tỏ ấn tượng với cách xử lý những vụ khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài bằng cách thành lập tổ công tác của Thủ tướng. Trong đó Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cùng Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành làm việc hàng tuần ở các địa phương rất hiệu quả. Bà đề nghị tiếp tục duy trì tổ công tác của Thủ tướng theo cách làm như hiện nay để giải quyết dứt điểm ở địa phương.

Báo cáo cũng thừa nhận công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định, Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo; có những vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân...

Thảo luận về nội dung này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc tiếp công dân của người đứng đầu tuy có chuyển biến mạnh mẽ nhưng chưa đạt định mức theo quy định là Chủ tịch tỉnh 1 buổi/tháng, Chủ tịch huyện 2 buổi/tháng, Chủ tịch xã 4 buổi/ tháng. Bà nêu lên một nguyên nhân là thường lịch họp cấp trên rơi vào lịch tiếp công dân của cấp dưới. “Cho nên nhiều tỉnh phải thống nhất điều này. Nó là cái nhỏ thôi nhưng nếu có quy định chung sẽ tốt, góp phần làm cho việc tiếp công dân đạt hiệu quả hơn„ - bà nhận định.

Trưởng ban Dân nguyện cũng đề cập một thực trạng là số vụ việc khiếu nại tố cáo mà các đại biểu Quốc hội chuyển đến có tỷ lệ giải quyết còn thấp so với mức trung bình. “Báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu tỷ lệ 85%, song thực tế các báo cáo do các Uỷ ban của Quốc hội và Ban Dân nguyện chuyển đến chỉ đạt tỷ lệ giải quyết khoảng 65%„, bà Hải nêu.


A.Quỳnh
.
.
.