Khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Thứ Sáu, 15/02/2019, 10:12

Sáng 15-2, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 40 năm nhìn lại (1979 – 2019)”. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 40 năm Ngày quân và dân ta chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17-2-1979 – 17-2-2019).


Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, trong đó có các nhà khoa học, giảng viên đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học uy tín trong cả nước. Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự của các nhân chứng, các cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, các đại biểu, nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương…

Toàn cảnh hội thảo

60 báo cáo tham luận tại hội thảo tập trung vào những vấn đề cơ bản: Khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của Việt Nam trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu và tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, hội thảo cung cấp một số cơ sở lý luận, thực tiễn và bài học lịch sử rút ra từ Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo cũng đánh giá, làm rõ sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc các tỉnh biên giới phía Bắc trong việc khắc phục khó khăn và hậu quả chiến tranh, thi đua xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với đất nước.

Hội thảo được tổ chức cũng là dịp để nhìn lại sự kiện lịch sử diễn ra cách đây 40 năm một cách trung thực, khách quan, qua đó tăng cường tình đoàn kết, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới; đồng thời phê phán những biểu hiện sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu cáo, lợi dụng sự kiện biên giới phía Bắc để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

Thông qua Hội thảo góp phần khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc với tinh thần “gác lại quá khứ hướng tới tương lai”; những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Những kinh nghiệm quý về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được rút ra từ Hội thảo sẽ được bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo, phù hợp vào quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ mới…

GS.NGND Vũ Dương Ninh, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Nhắc lại quá khứ để ứng xử đúng đắn cho hôm nay và phòng ngừa cho ngày mai”

Hơn 40 năm đã qua nhưng những sự kiện bi hùng của cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chưa được trình bày một cách đầy đủ trong sách giáo khoa, trong những công trình nghiên cứu và trên nhiều sách báo khác.

Chúng ta cần nhìn nhận và viết đúng sự thật lịch sử, phản ánh khách quan những điều đã diễn ra, phân tích đầy đủ bản chất của sự việc và rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực; qua đó nêu bật những tấm gương hy sinh của đồng bào và chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

Tất cả những người Việt Nam đã từng đổ xương máu từng tấc đất, từng hòn đảo của nước Việt Nam đều xứng đáng được sự tri ân của nhiều thế hệ con cháu. Các sách giáo khoa về lịch sử, về văn học và nhiều môn khoa học xã hội khác cần quan tâm đầy đủ công việc này như chúng ta đã từng viết về hai cuộc kháng chiến trước. 

Không khơi gợi hận thù song nhắc lại quá khứ để có cách ứng xử đúng đắn hôm nay và phòng ngừa cho ngày mai là điều rất cần thiết và cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương: “Cần chính sách đặc biệt để tập trung tìm kiếm, quy tập các hài cốt liệt sỹ”

Những năm qua, chúng ta đã tìm kiếm, quy tập được khoảng 7.000 hài cốt liệt sỹ ngã xuống ở dọc tuyến biên giới phía Bắc, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 4.000 liệt sỹ chưa thể tìm thấy và quy tập. 

Đã 30-40 năm trôi qua, các anh vẫn đang nằm tận núi cao, rừng sâu hiểm trở, có hài cốt lẫn trong bom mìn. Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân đã tổ chức nhiều hoạt động để đền đáp công ơn, sự hy sinh của quân và dân trong cuộc chiến đấu, song chúng ta chưa thấy an lòng. 

Có lẽ, cần một chính sách đặc biệt hơn, một văn bản quy phạm pháp luật có tính đặc thù tập trung giải quyết dứt điểm việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ ở biên giới phía Bắc, để linh hồn hàng nghìn người đã hy sinh trở về với quê hương, với người thân hoặc được quy tập trung những nghĩa trang liệt sỹ để an nghỉ cùng đồng đội mình.



T.Hoà - A.Quỳnh - V.Cảnh
.
.
.