Khai mạc Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017

Thứ Năm, 28/09/2017, 12:18
Trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC Năm 2017, sáng 28-9, tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế), Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC chính thức được khai mạc.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; bà Lakshmi Puri, Phó Giám đốc điều hành tổ chức Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đồng chủ trì buổi Đối thoại. Cùng tham dự còn có các Trưởng đoàn và gần 600 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC là một trong ba sự kiện chính của Diễn đàn thường niên về Phụ nữ và Kinh tế APEC, thể hiện sự công nhận của các nhà lãnh đạo APEC đối với vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng các đại biểu đại diện 21 nền Kinh tế APEC tham dự Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC.

APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, với hơn 60% ở khu vực chính thức, đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế đã trở thành một nội dung nghị sự lớn của khu vực.

Các đại biểu đến từ các nền Kinh tế APEC tham dự buổi Đối thoại.

Theo thống kê, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở khu vực APEC hiện chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chiếm trong khoảng từ 50 đến 80% việc làm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20 đến 50% GDP trong các nền kinh tế APEC. Tuy vậy, các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng dưới 35% xuất khẩu trực tiếp. Thực tế này đòi hỏi APEC cần chú trọng hơn để phát triển về quy mô và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ đích thân làm chủ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đối thoại.

“Tại Đối thoại lần này, các ý tưởng, sáng kiến và kiến nghị của các Trưởng đoàn sẽ giúp định hướng chính sách của APEC trong những năm sắp tới để tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân nữ, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phát triển ngày càng lớn mạnh hơn, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của khu vực”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

Tại buổi Đối thoại, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của cơ chế hợp tác về Phụ nữ và Kinh tế APEC trong thời gian qua. 

Bà Lakshmi Puri, Phó Giám đốc điều hành tổ chức UN Women dự và phát biểu tại buổi Đối thoại.

Theo Phó Chủ tịch nước, ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 48% lực lượng lao động, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Việt Nam đứng thứ 65 trên 144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới và đứng thứ 33 về chỉ số phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí giám đốc, chủ doanh nghiệp đạt khoảng 25% và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nước nhà.

“Chính vì vậy cần tạo cơ hội và khuyến khích kết nối các nữ doanh nhân, chia sẻ giữa khu vực công và khu vực tư nhân, không chỉ trong từng nền kinh tế mà cả ở quy mô khu vực như trong APEC để giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có cơ hội được chia sẻ cũng như phát huy mạnh mẽ hơn vai trò và đóng góp vào nền kinh tế. Từ đó, cần xây dựng tầm nhìn chiến lược cho những năm tiếp theo để thúc đẩy sự trao quyền kinh tế của phụ nữ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và toàn thế giới nói chung”, Phó Chủ tịch nước khẳng định.

Toàn cảnh Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017.

Tham gia sự kiện Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn 21 nền kinh tế APEC sẽ tập trung trao đổi về các vấn đề như Tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực APEC và trên thế giới.

Anh Khoa
.
.
.