Khai mạc Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019

Thứ Năm, 19/09/2019, 09:54

Sáng 19-9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đối tác phát triển, các cơ quan quốc tế tổ chức Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ Hai năm 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới; đại diện một số quốc gia trong khu vực và thế giới có kinh nghiệm liên quan đến chủ đề diễn đàn; đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp, các tập đoàn trong nước và nước ngoài; các chuyên gia, học giả và đại diện một số cơ quan nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Diễn đàn đã thực sự đạt được một bước tiến bộ đáng kể, mở rộng hơn cả về quy mô, nội dung và số lượng các đại biểu tham dự, nhất là các diễn giả, học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước về cải cách và phát triển, khẳng định Diễn đàn sẽ phát triển và lớn mạnh, không chỉ dành cho Việt Nam mà còn cho nhiều quốc gia cùng chung khát vọng phát triển và thịnh vượng.

Trong suốt chặng đường lịch sử kể từ đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, mọi người dân Việt Nam đều mong muốn cống hiến hết sức mình, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc. Kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%.

Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đường - PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước. 

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và kết quả tích cực đã đạt được, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển. 

Phiên khai mạc Diễn đàn với sự tham gia của nhiều đại biểu, diễn giả trong và ngoài nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách.

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường. Ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực, tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội.

Các đại biểu, diễn giả trong phiên thảo luận đầu tiên.

Trong khuôn khổ nội dung Diễn đàn lần này, Việt Nam rất mong nhận được sự chia sẻ, giải đáp, trao đổi sâu sắc, toàn diện của các diễn giả, chuyên gia tham dự Diễn đàn với ba trọng tâm chính là: Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; và Ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng. 

Diễn đàn sẽ có 2 phiên thảo luận với các chủ đề về “Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập” và “Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.

Trong phiên toàn thể buổi chiều với chủ đề “Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì điều hành.


Lưu Hiệp - Duy Tiến
.
.
.