Kêu gọi 33 dự án, đầu tư 7.800 tỷ đồng vào du lịch miền Tây
Các địa phương cũng mời gọi, 45 dự án khác trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chế biến, chế tạo, hạ tầng logistis với tổng vốn 150.000 tỷ đồng.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ cho biết: hội nghị có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế lớn về tư vấn đầu tư, dịch vụ bất động sản du lịch, logistic như: Savills, CBRE, Phú Mỹ Hưng, Akubai, Công ty CD và BĐS Hoà Bình, Vietnam Consulting Group, Habour, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh…
Hội nghị sẽ giới thiệu về tiềm năng, cơ hội và lợi thế phát triển du lịch và những phân tích đánh giá nhu cầu phát triển hạ tầng, điểm đến du lịch.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mới. ĐBSCL được đánh giá là điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn. Tổng mức bán lẻ năm 2016 của vùng đạt hơn 675.000 tỷ đồng, chiếm 19,15% của cả nước. Lượng khách du lịch đến ĐBSCL gia tăng nhanh chóng đạt 28,15 triệu lượt khách.
Trong đó, khách quốc tế là 2,47 triệu (tăng 18,4 %). Tổng doanh thu toàn ngành đạt 11.305 tỷ đồng vào năm 2016, tang 16,1%. Riêng sáu tháng đầu năm 2017, ĐBSCL đón 20,98 triệu lượt khách, đạt doanh thu hơn 6.504 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Vườn hoa Hoàng đầu ấn mọc tự nhiên, đẹp mê người trong Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp). |
Các đại biểu nhìn nhận, hiện nay cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng du lịch. Các địa phương trong vùng đã giới thiệu, mời gọi 33 dự án thuộc nhóm bất động sản và du lịch với tổng vốn gần 7.800 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, ĐBSCL đón 34 triệu lượt khách. Trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 25.000 tỷ đồng. Đến năm 2030 đón 52 triệu lượt khách, trong đó có 6,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu 111.000 tỷ đồng.