Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công trong quý I
- Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng thấp hơn cùng kỳ năm 2018
- Tập trung xử lý “điểm nghẽn” chậm giải ngân vốn đầu tư công
- Giải ngân vốn đầu tư công đạt 189,2 nghìn tỷ đồng
- Vĩnh Phúc giải ngân gần 32% vốn đầu tư công
Dịch bệnh góp phần gây chậm tiến độ
Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3/2020 là 61.591,412 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Nhà nước giao (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, vốn trong nước là 58.596,195 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2.995,216 tỷ đồng.
Mặc dù số vốn giải ngân có tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm vẫn còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, bên cạnh một số Bộ, ngành địa phương có số giải ngân đạt trên 15% kế hoạch vốn được giao vẫn còn có 29 Bộ, ngành và 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có tới 21 Bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).
Cao tốc Bắc Nam là dự án trọng điểm đang được thúc giải ngân vốn đầu tư công. |
Nguyên nhân của việc giải ngân chậm, vẫn là các lý do cố hữu như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu... Tuy nhiên, qua các báo cáo, Bộ Tài chính cho biết còn có một số nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn trong nước 3 tháng đầu năm khác.
Thứ nhất, theo quy định tại Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020 do vậy các chủ đầu tư cũng tập trung giải ngân vốn kéo dài năm 2019 sang năm 2020. Theo số liệu thống kê của Kho bạc Nhà nước số vốn trong nước kế hoạch năm 2019 kéo dài giải ngân sang năm 2020 khoảng 61.685,1 tỷ đồng.
Thứ hai, một số dự án bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020, do đó chưa có kế hoạch để giải ngân.
Thứ ba, còn nhiều chủ đầu tư các dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp đã được cấp có thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 song chưa đến giao dịch mở tài khoản và thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.
Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước đến hết tháng 3/2020 có 43.896 dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp được phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 với tổng số kế hoạch vốn khoảng 225.679,1 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chưa đến mở tài khoản và thanh toán tại Kho bạc Nhà nước. Và đặc biệt, trong mấy tháng đầu năm nay, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn trong việc huy động nhân lực, vật tư... ảnh hưởng rất lớn đến tình hình triển khai thực hiện và thanh toán vốn.
“Thúc” bằng cách nào?
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính cho biết đã tổ chức nhiều Hội nghị nhằm gỡ vướng trong giải ngân vốn đầu tư công.
Mới đây, trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án sử dụng nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia để các Bộ, ngành địa phương có cơ sở thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị các Bộ, ngành trung ương, địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020; thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, dự án; tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội. Bộ, ngành trung ương, địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, cả nước như: dự án cao tốc Bắc Nam, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng cho các dự án làm cơ sở để điều hành kế hoạch giải ngân. Chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý...
Riêng đối với dự án ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ quản chủ động cùng các cơ quan có liên quan chủ động giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn hiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại; khi có khối lượng hoàn thành cần làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ; theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.