Vĩnh Phúc giải ngân gần 32% vốn đầu tư công

Thứ Hai, 24/06/2019, 20:46
Trong thời gian qua, Vĩnh Phúc đã tăng cường thực hiện Luật Đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, giảm thiểu thất thoát, tránh lãng phí góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh là trên 28.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn địa phương là trên 26.000 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 2.000 tỷ.

Từ năm 2016 đến năm 2018, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, cấp tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư công cho 466 dự án, gồm 52 dự án mua sắm tài sản công và 414 dự án đầu tư xây dựng.

Công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm. Ảnh minh hoạ Internet.

Năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến khả năng cân đối nguồn vốn kế hoạch đầu tư công là 7.344 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu đề nghị bố trí 325 tỷ đồng; vốn vay ưu đãi nước ngoài 1.019 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia đề nghị vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương 5.300 tỷ đồng, vốn đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư dự kiến 300 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư công của Vĩnh Phúc hướng tới các dự án xây dựng hệ thống giao thông, nhằm góp phần tạo điều thuận lợi cho giao thương giữa các địa phương. Từ đó, thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn Vĩnh Phúc. Năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục dành 1.970 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực giao thông vận tải, với các công trình: Dự án cải tạo, nâng cáp đường ĐT 302, đoạn từ km3 đến km8+100; nâng cấp cải tạo, mở rộng đường ĐT 306 từ km 19+200-km20+553; đường Quang Minh - hồ Thanh Lanh; dự án cải tạo, nâng cấp QL2B cũ đoạn Hương Canh - Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; tỉnh lộ 302 và hồ Đồng Mỏ; đường đôi trung tâm huyện lỵ Sông Lô; dự án cải tạo, nâng cấp đường 307, đoạn từ Km24+500 đến km 27+000... Các dự án hoàn thành, từng bước hoàn thiện hạ tầng khung đô thị, hoàn thành các đường vành đai kết nối giao thông theo quy hoạch phát triển chung đô thị Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, đến tháng 5/2019, tổng vốn đầu tư công của tỉnh này là 6.232,3 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ cho 243 dự án, trong đó có 93 dự án quyết toán, 118 dự án chuyển tiếp và 32 dự án khởi công mới. Do còn nhiều khó khăn, bất cập nên tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công vẫn chậm. Tính đến tháng 5/2019, toàn tỉnh mới giải ngân được 1.284,1 tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch và ước đến 31/6/2019, giải ngân được khoảng 31,6% kế hoạch.

Các dự án trọng điểm, dự án ODA và các lĩnh vực còn lại đều có tỷ lệ giải ngân thấp. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án sử dụng vốn ODA đạt thấp nhất, do hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn này đều lớn và là dự án mới đang thực hiện các thủ tục để khởi công. Việc giải ngân nguồn vốn này còn chậm là do thủ tục đầu tư xây dựng kéo dài từ bước lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bảo vệ thi công – dự toán, thẩm định, phê duyệt thiết kế bảo vệ thi công – dự toán đến bước lựa chọn nhà thầu thi công, nhất là các dự án có tổng mức đầu tư lớn. Bên cạnh đó, năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa nắm bắt đầy đủ các thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản và chưa sâu sát, đôn đốc, kiểm tra hồ sơ công trình.

Nguồn vốn đầu tư công của Vĩnh Phúc hướng tới các dự án xây dựng hệ thống giao thông, nhằm góp phần tạo điều thuận lợi cho giao thương giữa các địa phương.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm. Nhà thầu thường có tâm lý tập trung thi công, dồn khối lượng hoàn thành để thực hiện nghiệm thu thanh toán một lần vào các tháng cuối năm, nhằm giảm thiểu chi phí quản lý, vận chuyển, khấu hao, lãi suất...

Đặc biệt, do hầu hết các ngành, lĩnh vực bố trí nguồn vốn đầu tư công cho việc trả nợ xây dựng cơ bản, dự án chuyển tiếp xong mới khởi công mới các dự án đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 nên khối lượng hoàn thành và giải ngân thấp so với cùng kỳ năm trước...Riêng đối với các dự án lớn, các dự án trọng điểm, các sở, ban, ngành có trách nhiệm thực hiện nhanh các thủ tục xây dựng cơ bản, chủ động đề xuất cưỡng chế thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng khi đủ điều kiện. Các chủ đầu tư phải thường xuyên rà soát, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Dự án nào chậm tiến độ, chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp. Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư của tỉnh đã cắt giảm được 4.500 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được các cơ quan đề xuất trình; đề xuất không đầu tư 39 dự án với tổng mức đầu tư 3.085 tỷ đồng chưa thực sự cấp thiết. Đây là khoản kinh phí tiết kiệm rất lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện để đầu tư được nhiều dự án cấp thiết, có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh việc tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư, Vĩnh Phúc cũng chú trọng công tác rà soát, thống kê trả nợ xây dựng cơ bản. Theo đó, tổng nợ xây dựng cơ bản trên địa bàn toàn tỉnh tính từ khi thực hiện Luật Đầu tư công là trên 3.200 tỷ đồng, đến nay đã thanh toán được trên 2.500 tỷ…

Phan Đức
.
.
.