Hội thảo quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại”

Thứ Sáu, 08/12/2017, 18:58
Ngày 8 và 9-12, tại Bái Đính, Ninh Bình, Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại”. 


Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN, Viện Trưởng Viện Trần Nhân Tông; Hòa thượng, TS Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam; các nhà tu hành trong và ngoài nước cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và hơn 200 đại biểu bao gồm các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, doanh nhân cùng tăng ni phật tử quan tâm đến chủ đề của Hội thảo…

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết của giới khoa học để thảo luận, làm rõ trên các phương diện lý luận, nhận thức và hành động những nội dung của Phật giáo nhập thế cũng như việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và con người đương đại; phát huy các giá trị tinh hoa, tốt đẹp của Phật giáo cho đời sống hòa bình, ổn định, phát triển của con người và xã hội, đồng thời, tạo cơ hội thúc đẩy sự đối thoại, quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước về Phật học.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN kiêm Viện Trưởng Viện Trần Nhân Tông cho biết: Nghiên cứu Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại là một trong những định hướng nghiên cứu trọng điểm của Viện Trần Nhân Tông, góp phần không chỉ để nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về Phật giáo, nhất là Phật giáo đương đại, mà còn để cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định chính sách và điều chỉnh hành vi, cả về nhận thức và thực tiễn, cả với Phật giáo cũng như với xã hội, trước khuynh hướng nhập thế của Phật giáo và việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội đương đại, qua đó phát huy những giá trị tư tưởng - văn hóa Phật giáo chính tông, làm cho Phật giáo và xã hội cùng phát triển tốt đẹp.


Hội thảo đã nhận được gần 100 bài viết của các học giả trong và ngoài nước. Hội đồng thẩm định đã chọn 90 báo cáo đưa vào tài liệu của Hội thảo, trong đó có 10 bài viết của các học giả đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc Đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc); 9 bài viết của các học giả đến từ GHPGVN; 71 bài viết của các học giả đến từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trên toàn quốc.
Thu Phương
.
.
.