Hội thảo ASEAN về quản lý rác thải nhựa ở đại dương

Thứ Ba, 14/05/2019, 09:50
Ngày 13-5, Hội thảo ASEAN (ARF) về quản lý rác thải nhựa ở đại dương nhằm đảm bảo đánh bắt cá bền vững và an ninh lương thực ở khu vực ASEAN đã khai mạc tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. 

Hội thảo được tổ chức theo thỏa thuận đạt được tại cuộc họp cấp Bộ trưởng ARF lần thứ 25 tại Singapore đầu tháng 8-2018. Hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cơ quan đồng cấp của Hoa Kỳ và Thái Lan tổ chức, thu hút hơn 90 đại biểu tham dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh, một đại dương khỏe mạnh sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo ra thịnh vượng và đảm bảo an ninh lương thực cho mọi người trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính 80% các mảnh vụn trên biển là chất thải đã bị xử lý sai cách, xâm nhập vào đại dương từ các nguồn trên đất liền, phần còn lại là ô nhiễm chất thải từ tàu lưu thông trên biển, hoặc từ số ngư cụ bị bỏ đi. Ô nhiễm nhựa đại dương đã và đang đe dọa các bãi biển, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm và đa dạng sinh học. 

Thực tế này đòi hỏi một bộ giải pháp rộng và toàn diện, sự hợp tác của các bên liên quan để xây dựng và thực hiện các chiến lược quản lý nhựa nhằm ngăn ngừa và giảm chất thải nhựa trên biển.

Tại hội thảo, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, Việt Nam nhận ra tầm quan trọng của đại dương và tài nguyên biển, do đó lâu nay đã xây dựng một hệ thống quản lý nhà nước trên biển và các đảo. 

Gần đây, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tăng cường sự bền vững phát triển kinh tế biển. 

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương cũng như tìm hiểu để xây dựng chính sách quản lý liên quan đến ô nhiễm nhựa trên biển.

Trong phiên thảo luận đầu tiên, hội thảo cho biết theo kết quả nghiên cứu, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương trên toàn cầu, tương đương một chiếc xe chở rác đầy nhựa đổ xuống biển mỗi phút. Năm trong số 10 quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu là thành viên ASEAN. 

Cuộc “khủng hoảng” rác thải nhựa trên biển đòi hỏi cần có sự hành động khẩn cấp, trong đó yêu cầu sự hợp tác của nhiều quốc gia, các khu vực để đạt được sự thống nhất cao trong hành động, đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả và bền vững.

Các tham luận tại hội thảo đã nêu bật tác hại to lớn của ô nhiễm rác thải nhựa dưới đại dương đến nghề đánh bắt cá và nuôi trồng thuỷ sản ở các vùng bờ biển trong khu vực. 

Nhiều ý kiến thảo luận đã đưa ra các nguồn lực cần huy động cũng như những thách thức phải đối mặt; đồng thời nêu lên các kinh nghiệm thực tế và cơ hội cho sự hợp tác khu vực ASEAN, nhằm bảo tồn môi trường biển và bảo đảm nghề đánh bắt thủy sản bền vững, bảo đảm an ninh lương thực ở khu vực ASEAN.

Hội thảo diễn ra đến hết ngày 15-5.

Hữu Toàn
.
.
.