Hội nghị Thượng đỉnh GMS-6 thông qua các dự án với quy mô gần 66 tỷ USD
- Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới cho khu vực GMS
- Doanh nghiệp GMS cần tiếp tục hợp tác để tận dụng các cơ hội hiện có
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hội nghị GMS-6 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu 25 hợp tác hình thành và phát triển của GMS. Qua¼ thế kỷ, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược 3C "Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi họp báo quốc tế về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh GMS-6. |
Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, Xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, Hội nghị Thượng đỉnh GMS-6 diễn ra ngày 31-3 đã nhìn lại chặng đường 25 năm hợp tác của GMS và thảo luận về những cơ hội và thách thức cũng như các định hướng lớn cho hợp tác GMS trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo Hội nghị GMS-6 đã thông qua 3 văn kiện quan trọng. Trong đó, Tuyên bố chung của Hội nghị đã thể hiện được cam kết chính trị và quyết tâm của các quốc gia GMS nhằm nâng cao vai trò của cơ chế hợp tác này.
Kế hoạch hành động Hà Nội giai đoạn 2018-2022 đã mở ra định hướng các lĩnh vực trọng tâm và các biện pháp hợp tác trong thời gian tới bao gồm việc thúc đẩy mở rộng mạng lưới hành lanh kinh tế hiện nay.
Khung đầu tư khu vực 2022 RIF-22 với tổng mức hơn 220 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh phí khoảng gần 66 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao đồng chủ trì buổi họp báo kết quả Hội nghị. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết Hội nghị đã nhất trí khởi động quá trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau 2022 cho hợp tác GMS nhằm giúp các quốc gia thành viên thực hiện thành công Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với thách thức chung của khu vực, và bảo đảm hợp tác GMS kịp thời đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của các nước thành viên trong tình hình mới.
Về phần mình, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao cho biết ADB sẽ tài trợ ít nhất 7 tỷ USD vào khu vực GMS trong 5 năm tới, trong đó đặc biệt chú trọng vào việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng, bên cạnh các hỗ trợ về giáo dục, y tế....
Trước đó, tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và tăng cường hợp tác về sử dụng bền vững và cùng quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua hợp tác xuyên biên giới và các nỗ lực chung nhằm đạt an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng.