Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc họp bàn về ứng xử trên Biển Đông
- Việt Nam sở hữu đầy đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền ở Biển Đông
- Thế giới lo ngại Trung Quốc đang vận dụng những hình thức "bắt nạt" tại Biển Đông
- Phải duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông
Ngày 15-10, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về Thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 18.
Phái đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu.
Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc họp bàn về ứng xử trên Biển Đông |
Trước đó, trong các ngày 13 và 14-10, tại đây cũng đã diễn ra cuộc họp lần thứ 30 của Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về Thực hiện DOC. Đây là các hội nghị giữa ASEAN với Trung Quốc nhằm kiểm điểm tình hình Biển Đông, thực hiện DOC và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hội nghị đã dành nhiều thời gian trao đổi về những diễn biến phức tạp trên thực địa, đặc biệt là các vụ việc đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Các nước trong khu vực đã bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng hiện nay nếu tiếp tục để kéo dài sẽ rất nguy hiểm, gia tăng nguy cơ va chạm và tính toán sai lầm, đe dọa tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Tại hội nghị, các nước ASEAN đã nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không quân sự hoá, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982.
Đoàn Việt Nam tại hội nghị |
Về thực hiện DOC, hội nghị nhất trí cần tiếp tục nỗ lực bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, trong đó cần ưu tiên triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác xử lý những thách thức chung như bảo vệ môi trường biển, đối xử nhân đạo với ngư dân. Về đàm phán COC, các nước hoan nghênh việc hoàn tất vòng rà soát đầu tiên văn bản dự thảo; nhất trí cần duy trì đà tiến triển đã đạt được; khẳng định cần gia tăng nỗ lực để xây dựng một Bộ quy tắc thực sự hiệu quả, thực chất, có thể ngăn ngừa xảy ra những vụ việc phức tạp như hiện nay.
Để làm được điều này, hội nghị đã nhất trí cần chuẩn bị kỹ cho các vòng đàm phán tiếp theo nhằm đạt được những kết quả cụ thể, thực chất; các nước cũng đã trao đổi về những cách làm mới để áp dụng cho vòng đàm phán tới.
Quang cảnh hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Đoàn Việt Nam đã làm rõ về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt là việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng; nêu bật lập trường, quan điểm chính đáng của Việt Nam dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đoàn Việt Nam nhấn mạnh tới hành vi vi phạm của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hoà bình và an ninh ở khu vực, và không tạo bối cảnh thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.
Khẳng định cam kết đối với tiến trình thực hiện DOC và xây dựng COC, Đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh tình hình hiện nay càng cho thấy tính cấp thiết của việc có Bộ Quy tắc ứng xử hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, giúp ngăn ngừa các vụ việc tương tự trong tương lai.
Theo đó, Đoàn Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm cải tiến phương cách làm việc cho các vòng đàm phán sắp tới, trong đó có việc tập trung xử lý những vấn đề mang tính chính sách, nâng cao vai trò của các quan chức cao cấp (SOM) trong việc chỉ đạo và định hướng cho tiến trình đàm phán.