Hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần tăng cường quan hệ quốc tế

Thứ Ba, 25/02/2020, 15:33
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, việc thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Sáng 25/2, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ, năm 1987, Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị.

Từ đó, Phó Thủ tướng nêu rõ, nhằm phát huy ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO, cách đây 10 năm, Ban Bí thư đã thông qua các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, với sự đóng góp ý kiến tâm huyết, quý báu của nhiều chuyên gia, cán bộ lão thành.

"Việc thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần quan trọng vào các thành tựu chung của công tác đối ngoại, nhất là về tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.

Nhìn lại quá trình 10 năm triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phạm vi thế giới, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, trong 10 năm qua, việc tôn vinh Bác Hồ đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được triển khai ở khắp 5 châu lục thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Các hình thức tôn vinh Bác được triển khai đa dạng, phong phú cả ở góc độ vật thể và phi vật thể, bao gồm tổ chức mit tinh, nói chuyện, tọa đàm, hội thảo, qua đó nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các chính đảng, giới học giả, truyền thông và phát huy được hiệu quả tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, nhân cách và trí tuệ của Hồ Chí Minh dưới cả góc độ “Anh hùng Giải phóng dân tộc” và “Nhà Văn hóa kiệt xuất”.

Các đại biểu dự hội nghị.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện và thực chất tình hình triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong quá trình thực hiện việc tôn vinh thời gian qua, từ đó đúc kết các bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

Đồng thời, hội nghị tiến hành nêu bật yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới, trên cơ sở đó xác định các nội dung của các hoạt động tôn vinh để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Từ đó, công tác triển khai tốt hơn các hoạt động tôn vinh trong tình hình mới, kể cả về chủ trương/chính sách, cũng như về các hoạt động cụ thể, trong đó cần chú trọng đến việc đổi mới từ cách làm, nội dung, sản phẩm, đổi mới các cơ chế phối hợp, theo dõi đánh giá để nâng cao hiệu quả, tính lan tỏa và củng cố tính bền vững của các kết quả đạt được.

An Nhiên
.
.
.