Hòa giải, đối thoại tại tòa án không ngăn quyền khởi kiện

Thứ Hai, 10/12/2018, 17:38

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.



Băn khoăn hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung các dự án Luật: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Hòa giải, đối thoại ở tòa án; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

 Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.  Việc bổ sung dự án luật là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành hai luật này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành về việc cần sớm sửa đổi, bổ sung và dùng một luật để sửa hai luật để bảo đảm kịp thời, đồng bộ và thống nhất. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng một số chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên không nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung luật. Một số chính sách khác cần được cân nhắc thận trọng để phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

 Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong quá trình nghiên cứu thực hiện triển khai, nhiều địa phương băn khoăn hợp nhất 3 văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND. Do đó, đề nghị cần có thời gian tổng kết đánh giá mô hình thí điểm sau đó sửa cho phù hợp, chú ý lùi lại từ kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong đến số lượng đại biểu. “Vì thế, cần thận trọng, sửa đi, nhập vào tách ra rất tốn kém, cần có thời gian ổn định để nghiên cứu thấu đáo rồi đưa vào sửa Luật phù hơp hơn” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh việc sửa 3 luật cho nhiệm kỳ sau nên chưa vội, chỉ sửa những cái cấp bách.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, việc sửa Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ cần có định hướng lớn về tổ chức của Quốc hội, Chính phủ như thế nào, tinh gọn đến đâu, sáp nhập cơ quan nào… Sau đó, mới thiết kế đề cương tổng thể, chi tiết. Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ về việc một số địa phương sáp nhập các sở trong khi chưa sửa đổi luật, nghị định để nhấn mạnh yêu cầu, việc thí điểm phải được thực hiện theo đúng định hướng và có cơ sở pháp lý để tránh làm rối vấn đề.

Hòa giải, đối thoại tại tòa án không ngăn quyền khởi kiện

 Trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hòa giải, đối thoại với rất nhiều ưu điểm, đã trở thành nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân và xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng;” góp phần hàn gắn mâu thuẫn, rạn nứt, ngăn ngừa tranh chấp trong tương lai; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.  Việc hòa giải, đối thoại ở tòa án đã được thí điểm tại Hải Phòng. 

Tổng kết 6 tháng thí điểm cho thấy, mô hình đã có những thành công nhất định, đã nhận 2.573 đơn khởi kiện, tiến hành hòa giải, đối thoại 2.399 đơn và đã hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt 76,2%. 

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình

Về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan điểm đồng tình với đề nghị bổ sung dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 với hy vọng việc hòa giải, đối thoại ở tòa án thành công sẽ giúp làm giảm khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, dự án luật cần dự liệu được việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hòa giải và việc xây dựng đội ngũ cán bộ hòa giải cũng phải bảo đảm yêu cầu không làm tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cần đánh giá được thực trạng quan hệ pháp luật hiện hành, chứng minh còn thiếu và khoảng trống cần có pháp luật điều chỉnh để tránh chồng chéo với 5 loại hòa giải đang được thực hiện hiện nay. Mô hình thí điểm cần có thêm thời gian để đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. Việc quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại ở tòa phải trên tinh thần tạo điều kiện để người dân lựa chọn giữa khởi kiện và hòa giải, không ngăn quyền khởi kiện của người dân.


Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội Lê Thị Nga

Xây dựng Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, việc ban hành dự án Pháp lệnh này để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.

 Việc xây dựng dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch đảm bảo tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch và các nguyên tắc sửa đổi luật đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi 11 luật và Luật sửa đổi 37 luật; đảm bảo duy trì các mục tiêu, yêu cầu về quản lý nhà nước của các ngành trong phát triển kinh tế - xã hội, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh có liên quan, bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ  ngày 1-1- 2019; và cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án Pháp lệnh, những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch được đề xuất đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch và phù hợp với mục đích, yêu cầu về bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm không để sót các pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

         
Phương Thuỷ
.
.
.