Hạn chế “lợi ích nhóm” trong xây dựng văn bản pháp luật

Thứ Hai, 19/03/2018, 12:40
Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn về việc làm thế nào để bảo đảm chất lượng ban hành, thực thi văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại các bộ ngành, địa phương.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc đầu tiên ban hành VBQPPL phải  đảm bảo tính khả thi; đối với việc thực thi, các cơ quan Nhà nước phải nêu cao tinh thần gương mẫu; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật... có như  vậy một đạo luật được ban hành mới đi vào cuộc sống, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh.

Trả lời về mục tiêu, giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết về pháp luật, chúng ta đã có hệ thống văn bản để điều chỉnh công tác này. 

Trong quá trình triển khai luật, chúng ta cũng có nhiều đề án, tập trung vào các đối tượng đặc thù (đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...) để tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tuy nhiên, việc thực hiện còn có hạn chế, một phần do nguồn lực... Trong tương lai, Bộ sẽ chú trọng nhiều hơn đối với công tác này.

Đại biểu Trương Minh Hoàng  chất vấn về giải pháp đảm bảo tiến độ xây dựng pháp luật, tránh tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, 

Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng thời gian qua việc xây dựng VBQPPL đã đạt bước tiến đáng kể. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng xin lùi, xin rút, đưa dự án luật ra khỏi chương trình, dù đã bớt đi so với trước... 

Điểm qua một số nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh tínhchủ động; nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng VBQPPL;...

Trả lời đại biểu Trần Quang Chiểu về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật ban hành VBQPPL thời gian vừa qua, Bộ trưởng khẳng định, luật đã góp phần nâng cao chất lượng ban hành VBQPPL, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có một số phản ánh, kiến nghị về: Vấn đề đánh giá tác động văn bản; lập đề nghị đưa dự án luật vào chương trình;... 

Bộ trưởng cho rằng,  cần thay đổi, tư duy, cách thức tham mưu trong xây dựng VBQPPL; cần xem xét lại việc lập đề nghị đánh giá việc ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

Trả lời câu hỏi về có lợi ích nhóm trong việc xây dựng Luật hay không? Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đã có quy định rõ về quy trình, cách thức xây dựng Luật. Tuy nhiên, trong thực tế, cũng có thể có việc  cơ quan chủ trì soạn thảo có cái nhìn hiên vị, dành thuận lợi hơn cho ngành mình. 

Bộ Tư pháp đã rút ra 4 vấn đề trong xây dựng Luật và các văn bản pháp luật, yêu cầu tất cả cán bộ phải nắm rõ đó là các vấn đề về: quản lý quỹ; tổ chức bộ máy; chế độ chính sách và các điều kiện thực hiện. 

“Chúng tôi coi đây là cẩm nang để sử dụng trong quá trình thẩm tra Luật tránh việc các cơ quan soạn thảo “lồng” lợi ích vào; khi phát sẽ kiến nghị khắc phục, đồng thời theo suốt quá trình soạn thảo cho đến khi trình Quốc hội thông qua.

Phương Thủy
.
.
.