Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khả năng cao sẽ có ca COVID-19 mới

Thứ Tư, 29/07/2020, 13:34
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 sáng nay 29/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, một số địa phương có nhiều người đi lại, giao lưu với TP Đà Nẵng, kể cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có những ca bệnh là khả năng cao.


Ổ dịch ở Đà Nẵng hiện đã ghi nhận 30 trường hợp bệnh mắc, trong đó có 27 trường hợp ở Đà Nẵng, 2 ở Quảng Nam và 1 ở Quảng Ngãi. Qua phân tích cho thấy, có 24 ca bệnh liên quan đến 3 bệnh viện, số còn lại nằm rải rác tại một số quận của Đà Nẵng. 

Trong đó, ổ dịch liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng có 22 ca, trong đó có 18 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tập trung chủ yếu ở 3 khoa: Hồi sức cấp cứu, Tim mạch và Nội –Thận.

Tại cuộc họp, các chuyên gia phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng cho thấy sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch thực sự, phần lớn là từ cụm 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình.

Qua giám sát cho thấy, trong thời gian qua riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi địa phương có tới 15.000 người đi lại, giao lưu với Đà Nẵng. Đây là điều đáng lưu ý, khi vừa qua nhiều địa phương có người giao lưu đi lại, du lịch tại thành phố Đà Nẵng.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 họp sáng 29/7 (Ảnh: Đình Nam)

Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, các văn bản, quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã có rất đầy đủ, trong đó Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 19 có lơi lỏng, cho nên bây giờ các bộ ngành, địa phương phải siết lại, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, các chuyên gia đặc biệt lưu ý người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi đông người, nhất là khi đi trên phương tiện giao thông công cộng. Người dân tiếp tục thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để phòng chống dịch.

Về cơ bản chưa có hạn chế đi lại nhưng các chuyên gia khuyến nghị trong mùa dịch, như từ trước đến nay, người dân không nên đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.

Từ ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng Bộ Y tế phải tăng cường công tác tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh. Ngành y tế phải gương mẫu trong việc nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, sẵn sàng lực lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh khi có diễn biến mới.

Về công tác tổ chức đón công dân Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về nước, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tính toán kỹ lưỡng, rà soát, điều tiết kế hoạch đưa công dân về nước phù hợp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian qua một số địa phương có người đi giao lưu đi lại nhiều với Đà Nẵng, kể cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có những ca nhiễm bệnh là khả năng cao. Điều quan trọng là theo dõi sát ổ dịch ở 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, đặc biệt là theo dõi những trường hợp không có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến nhóm bệnh viện này và những địa điểm có các ca nhiễm từ bệnh viện này đi qua.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, nếu xuất hiện các ổ dịch mới phải có biện pháp xử lý kịp thời, cách ly, khoanh vùng dập dịch.

Ban Chỉ đạo cũng đề nghị lực lượng chức năng, các địa phương không được chủ quan, lơ là, phải đề cao cảnh giác. Lực lượng Công an, Quân đội tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh, đường biên giới, đường mòn lối mở. Nâng cao năng lực truy vết, đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, sẵn sàng khoanh vùng, dập dịch để bảo vệ thành quả chống dịch của đất nước.


Tr.Hằng
.
.
.