Gọi là “học phí” để tránh cách tiếp cận thương mại trong giáo dục

Thứ Tư, 30/05/2018, 14:43
“Việc sử dụng khái niệm “học phí” vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục” – báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Sáng 30-5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình cho biết: Qua 5 năm thi hành, Luật GDĐH năm 2012 đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đọc Tờ trình

Hệ thống các cơ sở GDĐH đã phát triển đa dạng phù hợp với yêu cầu, điều kiện của đất nước với 170 trường công lập, 60 trường tư thục và 5 trường có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, có 4 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài và 5 trường tư thục được thành lập trong giai đoạn này, góp phần phát triển GDĐH ngoài công lập.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 14% năm 2012 lên gần 23% năm 2017. Luật GDĐH năm 2012 cũng đặt nền móng pháp lý cho tự chủ đại học, đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học, giảm thiểu cơ chế hành chính trong quản lý GDĐH…

Tuy nhiên, qua 5 năm thi hành, Luật GDĐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 5 điều; thay thế cụm từ tại 1 điều; đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật...

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết: Đa số ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH nhằm khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương, quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 29/NQ-TW; Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và yêu cầu về cơ cấu, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về giá dịch vụ đào tạo, đa số tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong Dự thảo Luật và do đó đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm “học phí” như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

“Việc sử dụng khái niệm “học phí” (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục” – báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện.

Ngoài ra, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với GDĐH khi tăng mức học phí.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Giá dịch vụ đào tạo là tên gọi phản ánh đúng bản chất”

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng cùng ngày, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Việc chuyển đổi từ học phí sang giá dịch vụ đào là căn cứ vào Luật giá.

“Học phí là khái niệm nghe quen tai, giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đủ chi phí dịch vụ theo Luật giá. Tính đúng, tính đủ làm sao đảm bảo chất lượng, phù hợp chi phí, hay nói cách khác chi phí tương xứng chất lượng. Tính toàn bộ để hạch toán theo tự chủ và đó là giá dịch vụ đào tạo” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Về ý kiến cho rằng, vừa qua “trạm thu phí” đổi thành “trạm thu giá” đã vấp phải sự phản ứng của dư luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị đổi tên “trạm thu giá”, và ý kiến của cơ quan thẩm tra cũng không nhất trí với thuật ngữ “học phí” đổi thành “giá dịch vụ đào tạo”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải: “Đây không phải việc đổi tên, quy định gọi là giá dịch vụ đào tạo là căn cứ theo Luật giá và nội hàm của quy định, còn tên gọi lại là chuyện khác”.

Khẳng định học phí không bao gồm tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo, trong thực tế nếu dựa vào học phí thì còn thiếu rất nhiều các khoản thu hợp pháp khác để phát triển nhà trường, phục vụ đào tạo…, ông đề nghị do nội hàm có sự khác nhau nên cân nhắc tên gọi cho thuận và phản ánh đúng bản chất.


Bảo Quân
.
.
.