Giao Bộ Tài chính quy định về chi phí cung cấp thông tin

Thứ Tư, 06/04/2016, 10:27
Với 437 đại biểu tán thành (chiếm 88,46% tổng số đại biểu), sáng 6-4, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Cung cấp thông tin. Đáng chú ý, dự án luật quy định công dân sẽ phải trả phí khi yêu cầu cung cấp thông tin, nhưng luật không quy định cụ thể mức phí này mà giao Bộ Tài chính quy định trong văn bản dưới luật.

Qua thảo luận tại Hội trường, có đại biểu đề nghị luật nên quy định điều chỉnh đối với công dân Việt Nam và cả người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, người nước ngoài muốn được tiếp cận thông tin của các cơ quan Nhà nước Việt Nam thì phải tùy thuộc vào mục đích và điều kiện, khả năng đáp ứng của các cơ quan Nhà nước Việt Nam, nên không thể quy định cứng đây là quyền đương nhiên như của công dân Việt Nam.

Quốc hội thông qua dự án Luật Tiếp cận thông tin.

Về thông tin công dân không được tiếp cận, ngòai thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế… dù có ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định không được tiếp cận bao gồm cả thông tin thuộc bí mật công tác”, “thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan”, “ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách”, nhưng UBTVQH chỉ đề nghị bỏ Điều 3. Như vậy, công dân sẽ được tiếp cận “ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách”.

Với lý do “để bảo đảm tính khả thi của Luật, tính chính xác của thông tin được cung cấp cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước và không tạo kẽ hở cho việc lạm dụng yêu cầu cung cấp thông tin”, dự thảo Luật được thông qua cũng không quy định việc cơ quan Nhà nước phải cung cấp thông tin do mình nắm giữ, mà chỉ “khuyến khích” cơ quan Nhà nước tùy theo điều kiện, khả năng thực tế của mình có thể cung cấp. Khi tiếp cận thông tin, công dân vẫn phải nêu rõ lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin. 

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định không cung cấp thông tin qua điện thoại. Về ý kiến đại biểu cho rằng điểm đ khoản 1 Điều 28 của dự thảo Luật quy định việc từ chối cung cấp thông tin trong trường hợp “thông tin được yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mình” là chưa cụ thể, dễ tạo lý do để từ chối cung cấp thông tin; giải trình của UBTVQH cho rằng “các cơ quan Nhà nước ở các cấp khác nhau hoặc trên các địa bàn khác nhau thì có bộ máy tổ chức với quy mô khác nhau. 

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương mà các cơ quan cũng được tổ chức cho phù hợp. Vì vậy, Luật không thể quy định việc định lượng mức độ, trường hợp cụ thể nào có thể vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan” và giữ như dự thảo.

Đáng chú ý nhất, về chi phí tiếp cận thông tin, tiếp thu ý kiến đại biểu cho rằng Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc  người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin là không phù hợp; UBTVQH đã chỉnh lý dự án luật theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về chi phí tiếp cận thông tin. 

Về quy định chỉ bồi thường, hoàn trả thiệt hại khi cung cấp thông tin không kịp thời cho công dân chỉ áp dụng “đối với lỗi cố ý”, tuy một số đại biểu cho rằng không phù hợp, không nghiêm minh và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân; nhưng UBTVQH cho rằng Luật tiếp cận thông tin mới ban hành, để bảo đảm tính khả thi thì Luật chỉ nên quy định trách nhiệm bồi thường đối với những hành vi của người thi hành công vụ được thực hiện với lỗi cố ý mà gây thiệt hại nên vẫn giữ như dự thảo.

V.H
.
.
.