Điều tra tội “nhận hối lộ” trong bê bối gian lận thi cử ở Sơn La

Thứ Năm, 12/09/2019, 17:43

Là thông tin được Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cung cấp tại Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thảo luận về các báo cáo về phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng, chiều 12-9.



Những người ở vai hối lộ hay nhận hối lộ chưa bị xử lý

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá, các báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, có nhiều số liệu và nói được thực trạng xã hội hiện nay. Cho thấy chúng ta đã cố gắng rất nhiều trong lúc vừa phát triển vừa hội nhập, có tác động bên ngoài nhưng việc xử lý về mặt tư pháp, phòng chống tham nhũng (PCTN) đã góp phần giữ cho đất nước ổn định.

Ông Phan Thanh Bình

Đề cập đến vấn đề sai phạm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông cho rằng đây là mảng không được phép sai phạm thì đã sai phạm, do đó ảnh hưởng đến đạo đức nền tảng của xã hội.

“Tôi đồng ý Công an đã công phu điều tra mới ra được kết quả. Nhưng nếu nói xử lý nghiêm thì chưa. Chúng ta mới xử lý những người có trách nhiệm đã làm sai, còn những người ở vai hối lộ hay nhận hối lộ thì chưa làm được. Những người đưa tiền thì có bị xử lý hay không? Cần phải điều tra vì sao họ lại làm như vậy. Dư luận rất nặng nề vấn đề này”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phân tích.

Qua giải trình thêm tại phiên họp, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí thông tin thêm, vụ gian lận thi cử ở Sơn La ở tỉnh điều tra ra tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nhưng bây giờ Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND tối cao đang định rút về để điều tra về tội “nhận hối lộ”, và tới đây sẽ khởi tố bổ sung thêm 7 đối tượng nữa.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí

Ông cho rằng, trong PCTN, có những vụ ở dưới không làm được thì cần phải rút về Trung ương để làm. Bởi ở địa phương điều tra án tham nhũng mà dính tới cán bộ lãnh đạo thì cán bộ không sợ vì các cơ quan tư pháp cũng ở trong hệ thống cấp uỷ, khi rút vụ án về Trung ương khách quan, độc lập thì mới làm được.

“Sáng nay đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TAND tối cao cũng mới nói với chúng tôi, trong vụ gian lận thi cử là tội “đưa và nhận hối lộ”, chứ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là chưa chính xác, vì có việc nhận tiền.

Xâm hại trẻ em tăng, phải chăng do pháp luật chưa đủ răn đe?

Góp ý kiến vào các báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri đánh giá cao nghiệp vụ của các CBCS Công an trong công tác điều tra khám phá án; nhiều vụ trọng án, giết người man rợ cảm giác không có manh mối gì cả nhưng lực lượng Công an đã phá án nhanh, lấy lại niềm tin cho nhân dân.

Bà đánh giá cao việc sắp xếp lại bộ máy của ngành Công an, đặc biệt là chính sách đưa Công an chính quy về xã. “Hiện đang trong thời kỳ sắp xếp nhưng cử tri đánh giá có rất nhiều tác dụng. Qua báo chí, đã có nhiều gương hy sinh của các đông chí Công an xã, như vừa rồi đồng chí Thào Văn Súa, Trưởng Công an xã ở huyện Mường Lát (Thanh Hoá) đã hy sinh khi giúp dân vượt lũ. Cử tri mong muốn tuyên truyền thêm nhiều mặt tích cực, sự hy sinh thầm lặng của CBCS Công an đã đảm bảo an ninh trật tự, giữ bình yên cho người dân” – Trưởng ban Dân nguyện chia sẻ.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Tuy nhiên bên cạnh đó bà Hải bày tỏ băn khoăn về việc còn nhiều vụ xâm hại trẻ em, hay tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc dư luận. “Chúng tôi thấy nhiều vụ việc trong quan điểm xử án có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như nhân thân tốt, đảng viên...; có vụ xử án treo. Tôi thấy nên nghiên cứu, phải chăng việc để tình tiết giảm nhẹ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn nhức nhối”, bà nêu.

Cũng phát biểu về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình lo ngại số liệu xâm hại trẻ em tăng 46%, giao cấu tăng 26% là số liệu không bình thường. Trong đó có vấn đề về văn hoá, giáo dục, do xử lý chưa mạnh hay bị ảnh hưởng bởi các phương tiện thông tin đại chúng hay không?

Ông băn khoăn phải chăng hệ thống pháp luật chưa đủ, như trong tội dâm ô, đôi lúc chúng ta chưa hình dung rõ nên phải chuyển qua xử lý hành chính. “Phải chăng quy định chưa đủ răn đe, trong khi có nghệ sỹ ra nước ngoài bị bắt về tội dâm ô gây chấn động. Khi ra toà họ phải đứng trong lồng đắt, bị xử một cách răn đe” - ông đề nghị phải làm sao để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em và khi nói đến vấn đề này là khiến mọi người e ngại.


Quỳnh Vinh
.
.
.