Giải thưởng Trần Đại Nghĩa:

Xem xét giá trị ứng dụng trong phát triển KTXH và ANQP

Thứ Năm, 13/09/2018, 15:16

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ 2 chính thức khởi động vào ngày 13-9 với sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và GS.Viện sĩ (VS) Nguyễn Văn Hiệu - người sáng lập Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, cùng nhiều nhà khoa học tên tuổi của Việt Nam.



Phát biểu khai mạc, VS. Nguyễn Văn Hiệu - Ủy viên Thường trực của Hội đồng Giải thưởng cho biết, Giải thưởng mang tên Thiếu tướng, GS.VS. Trần Đại Nghĩa - một nhà khoa học lỗi lạc, nhà quản lý khoa học kỹ thuật cấp cao, cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, nên phải thể hiện được vị thế và tầm vóc xứng đáng với danh xưng đó. 

Giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc về khoa học tự nhiên và công nghệ; trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó để đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội (KTXH) và đảm bảo an ninh – quốc phòng (ANQP) của Việt Nam. Các công trình khoa học cần có sự ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển KH&CN nước nhà.

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu - người sáng lập Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 

Khác với các Giải thưởng KH&CN khác, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa đặc biệt xem xét giá trị ứng dụng đối với kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh – quốc phòng ở Việt Nam. Bởi vậy, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa có thể được trao cho một nhà khoa học nước ngoài.

Các nhà khoa học được Giải thưởng Trần Đại Nghĩa không chỉ được cộng đồng khoa học trong nước, mà cả cộng đồng khoa học thế giới công nhận là có đóng góp xuất sắc thực sự cho khoa học, đã hoàn thành hoặc đang chủ trì các công trình nghiên cứu xuất sắc thuộc 9 lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ (Toán học; Cơ học; Khoa học thông tin và khoa học máy tính; Vật lý; Hóa học; Khoa học về sự sống; Khoa học về trái đất; Khoa học biển; Khoa học môi trường và năng lượng), được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, hoặc được cấp bằng độc quyền sáng chế trong và ngoài nước.

Hội đồng Giải thưởng gồm 5-7 thành viên, là các nhà khoa học tên tuổi của Việt Nam, sẽ tiến hành bỏ phiếu kín. Các tác giả có công trình khoa học xuất sắc đạt 3/4 số phiếu bầu sẽ được Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trao Giải thưởng. Với các tiêu chí rất chặt chẽ, Giải thưởng này được tổ chức 3 năm/lần, mỗi lần không quá 3 giải thưởng và mỗi giải thưởng không quá 3 người.

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu  và các nhà khoa học trao đổi về Giải thưởng 

Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cho biết: “Giải thưởng này không hạn chế số lượng công trình được xét tặng mà phụ thuộc vào chất lượng các công trình tham gia. Giải thưởng cũng khuyến khích việc giới thiệu các công trình tham gia và người giới thiệu phải là người của các cơ quan, đơn vị được xác nhận cụ thể, có uy tín. Kể cả với những công trình ứng dụng dù là ở nơi xa xôi hẻo lánh, chúng tôi cũng sẽ đến tận nơi chứng nhận và xem xét. Giải thưởng cũng kỳ vọng những công trình được trao tặng phải là những kết quả chắc chắn, thực có giá trị và có đóng góp xuất sắc.”

Với những công trình KH&CN thuộc lực lượng vũ trang, do yêu cầu đảm bảo bí mật, Hội đồng sẽ xem xét một cách đặc biệt với việc lấy ý kiến từ Bộ Quốc phòng. Những tập thể được Giải thưởng phải công bố công khai nhưng vẫn đảm bảo bí mật an ninh quốc phòng.

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ hai dự kiến sẽ được trao vào dịp kỷ niệm Ngày KH&CN 18-5-2019.


Thanh Hằng
.
.
.