Gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19

Thứ Tư, 09/09/2020, 13:18
Trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, sáng 9-9, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã tham dự phiên họp của Ủy ban Kinh tế. Phiên họp diễn ra trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh.


Với chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19”, phiên họp nhằm đưa ra các giải pháp vừa tăng cường khả năng khôi phục nền kinh tế, vừa ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực hợp tác của khu vực. Cộng đồng Kinh tế ASEAN có mục tiêu tạo ra một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư kinh doanh và tạo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tham dự phiên họp.

Đánh giá cao chủ đề AIPA 41 mang tính thiết thực, có tính thời sự cấp bách đối với mọi quốc gia thành viên AIPA và khu vực, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn các nước thành viên sớm vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống xã hội và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời Ủy ban Kinh tế sẽ gợi mở và đưa ra các khuyến nghị để các nước AIPA chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp và đề xuất giải pháp gắn kết và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Thảo luận tại phiên họp, đại diện Nghị viện Bruney cho rằng, một nội dung quan trọng mà AIPA cần nhấn mạnh là vai trò của các nghị viện, các nghị sỹ đối với các nước ASEAN trong đảm bảo ổn định nền kinh tế trong khu vực; cũng như có các sáng kiến, kế hoạch trong phục hồi nền kinh tế ASEAN, như: nới lỏng hạn chế đi lại trong khu vực, thúc đẩy thương vại và đầu tư nội khối ASEAN...

Bày tỏ ủng hộ tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2020 và Hội nghị cấp cao ASEAN về dịch bệnh COVID-19, ông cũng nêu quan điểm, cần có cách tiếp cận đa ngành, đa bên, toàn cộng đồng để giải quyết các thách thức do COVID-19 gây ra, trong đó có vai trò của các nghị sỹ AIPA. Đặc biệt là trong việc xây dựng pháp luật, thông qua ngân sách, đóng vai trò giám sát mạnh mẽ cho quá trình ủng hộ, phục hồi đối với nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.

"Chúng ta có thể thực hiện các biện pháp trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số. Bruney đã mở rộng tư vấn đào tạo cho các doanh nghiệp để có thể phản ứng nhanh với công nghệ số; ngành công nghệ thông tin và các kênh thương mại điện tử, hậu cần logistics của Bruney đã giúp thúc đẩy kinh doanh trực tuyến", đại diện Bruney chia sẻ.

Toàn cảnh phiên họp.

Khẳng định vai trò của nghị sỹ AIPA trong việc giúp thúc đẩy lòng tin của cộng đồng, tăng cường chia sẻ, điều phối thông tin trong khu vực để có thể phản ứng trước môi trường công nghệ số và ủng hộ nỗ lực không mệt mỏi của AIPA để ổn định kinh tế trong khu vực, trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, ông cũng cho rằng, các nước ASEAN cần gắn kết, tự cường. Trong đó, Bruney sẽ đoàn kết, đóng vai trò tích cực trong vấn đề này.

Đề cập việc đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn trên toàn cầu, tất cả các nước đều bị ảnh hưởng khi đến nay đã có tới 27 triệu người nhiễm và con số tử vong đang tiến dần lên mốc 1 triệu người, biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội chưa từng có, khiến tăng trưởng âm toàn cầu, đại diện Nghị viện Cambodia cho rằng các nước ASEAN cần đưa ra những cam kết về duy trì dòng chảy trong nội khối, đưa ra kho y tế dự trữ khẩn cấp và nguyên tắc phản ứng y tế trong tương lai.

"Chúng tôi là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới (khoảng 7%), thất nghiệp dưới 1%, nghèo đói dưới 10%...; đất nước chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với WHO và các nước để kiểm soát đại dịch. Chúng tôi đã có nhiều biện pháp đối với sản xuất du lịch, dịch vụ, tài chính; có chính sách để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tài chính. Chính phủ cũng thông qua một số dự án thúc đẩy cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, hỗ trợ người nghèo...", ông cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và các đại biểu đoàn Việt Nam tham dự phiên họp.

Nhấn mạnh trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, "không nước nào có thể tồn tại một mình", đại diện Nghị viện Cambodia cam kết là thành viên trách nhiệm của quốc tế và khu vực. Đồng thời kiến nghị, để vượt qua những gián đoạn trong môi trường quốc tế cũng thách thức về chủ nghĩa đơn phương, mâu thuẫn về công nghệ và thương mại, các nước ASEAN cần tăng cường cố kết, đóng góp vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới, thực hiện mong muốn của người dân là đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng...

Theo Phát ngôn của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn -2,7% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 5,2% vào năm 2021, đặc biệt do các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ của khu vực này với Trung Quốc.

Trên tinh thần đó, Đoàn Việt Nam mong muốn cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện một chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi, đó là thúc đẩy nhanh việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch và sức khỏe và các biện pháp cần thiết khác để kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19; củng cố sự an tâm trong di chuyển, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và quy trình y tế hỗ trợ di chuyển xuyên biên giới của công dân ASEAN không bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây” như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN và đề xuất hướng dẫn tham chiếu cho tất cả các nước thành viên ASEAN. Tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn...

Quỳnh Vinh - Xuân Trường
.
.
.