Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do tính khả thi không còn

Thứ Năm, 10/11/2016, 12:55
“Giá điện trước đây khoảng 4,9 cent/Kwh nhưng nay đã lên tới 8 cent/Kwh mà còn chưa tính đủ hết các yếu tố gây đội vốn nếu dự án triển khai chậm. Vấn đề giải quyết chất thải hạt nhân khi triển khai dự án cũng là chuyện cần bàn, nhất là sau một số sự cố môi trường chúng ta vừa trải qua” - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Hồng Tịnh nói.

Theo chương trình của phiên họp kín chiều nay, 10-11, Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Hồng Tịnh cho rằng, việc dừng dự án chủ yếu là ở tính khả thi của dự án không còn.

“Giá điện trước đây khoảng 4,9 cent/Kwh nhưng nay đã lên tới 8 cent/Kwh mà còn chưa tính đủ hết các yếu tố gây đội vốn nếu dự án triển khai chậm. Vấn đề giải quyết chất thải hạt nhân khi triển khai dự án cũng là chuyện cần bàn, nhất là sau một số sự cố môi trường chúng ta vừa trải qua”, ông nói.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Hồng Tịnh

Ông cho biết, thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân kinh tế đang tăng trưởng cao với mức bình quân 7%-8%, dự kiến phương án tăng trưởng có thể lên tới 9-10%. Tính toán tỉ lệ phát triển điện so với GDP thì GDP tăng trưởng 1, điện sẽ tăng 2. Ví dụ tăng trưởng đạt 8% thì điện tăng trưởng 16%…. Trong khi nhu cầu điện trong nước cao, các dạng năng lượng khác đã tới hạn thì cũng phải tính tới phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn, chỉ dao động 6%-7%/năm.

“Dừng hiện nay là hợp lý, vì nợ công đang quá trần. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa. Dừng còn hơn tới khi triển khai rồi mới dừng” – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT nêu quan điểm.

Theo ông phân tích, nếu không đầu tư điện hạt nhân thì có thể đầu tư cái khác để đảm bảo nguồn điện. Hiện nay công nghệ tiết kiệm điện phát triển nên việc tiêu tốn năng lượng, tổn hao ngành điện trước đây rất lớn, khoảng 8-10% thì giờ chỉ còn 5-6%. Từ nay tới 2021 điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển, giá thành thấp, ở mức trên dưới 5 cent/KWh và Việt Nam đang có nhiều vùng để phát triển điện gió ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu…. Ngoài ra, theo nhiều dự báo giá dầu khó có thể vượt 50 USD/thùng nên nguồn thay thế là khí LPG sẽ có giá thành hợp lý, đây cũng là nguồn nguyên liệu sạch chúng ta có thể nhập để phát điện.

Một trong những yếu tố khiến tính khả thi của dự án kém là việc đội vốn gấp đôi so với dự kiến ban đầu, từ 200 nghìn tỷ lên hơn 400 nghìn tỷ đồng. “Sau sự cố Fukushima thì ta đưa vào Quyết định 41 yêu cầu công nghệ cao, tiên tiến, an toàn  thì đương nhiên giá cao. Mình đặt mục tiêu an toàn lên quá cao thì tổng mức đầu tư phải lên” – ông nói.

Ông khẳng định, trên thế giới nhiều nước cũng phải dừng các dự án điện hạt nhân mặc dù có thể đã chuẩn bị để thực hiện bởi vấn đề công nghệ cao, đầu tư lớn, vấn đề an ninh, vấn đề xử lý chất thải… “Đây là bài học rất cay đắng. Lúc đó giá dầu cao, nghĩ điện hạt nhân là cứu cánh vì năng lượng hoá thạch giá cao. Càng ngày về sau diễn ra như này mình phải chấm dứt càng sớm càng tốt chứ nếu đầu tư thêm, nhập thiết bị nữa thì càng nguy hiểm, không làm nữa thì tốn kém gấp bội” – đại biểu nhấn mạnh, đồng thời cho rằng việc Chính phủ đề xuất dừng dự án là dũng cảm.

Liên quan đến nguồn nhân lực đã được đưa đi đào tạo phục vụ cho việc triển khai dự án, ông Lê Hồng Tịnh cho hay trước mắt chưa dùng vào lĩnh vực điện hạt nhân được thì có thể dùng cho các tổng công ty phát điện, các nhà máy điện đang triển khai bởi thực tế điện hạt nhân với các dạng nhà máy nhiệt điện khác cũng có công nghệ tương tự mà chỉ khác về nguồn sinh nhiệt. Còn hạ tầng thì có thể dùng để làm những việc khác, ví dụ giải phóng mặt bằng làm những dạng như điện mặt trời, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp…

Q.Vinh
.
.
.