Đức và Việt Nam đặt cơ sở cho định hướng "Tăng trưởng xanh"

Thứ Hai, 18/11/2019, 21:27
Với mức cam kết 213,4 triệu Euro, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) hỗ trợ Việt Nam trong hai năm tới để kiến tạo chiến lược tăng trưởng của Việt Nam sao cho thân thiện hơn với môi trường và xã hội.


Ngày 18-11, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam ra thông cáo về những hợp tác mới giữa Việt Nam và Đức sau cuộc đàm phán chính phủ về hợp tác phát triển hồi cuối tháng 10.

Toàn cảnh cuộc đàm phán Việt Nam-Đức hồi cuối tháng 10. Ảnh: MPI

Theo đó, Việt Nam và Đức đã quyết định mở rộng quan hệ hợp tác phát triển trong các lĩnh vực hướng tới tương lai là đào tạo nghề, năng lượng và môi trường. 

Với mức cam kết 213,4 triệu Euro, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) hỗ trợ Việt Nam trong hai năm tới để kiến tạo chiến lược tăng trưởng của Việt Nam sao cho thân thiện hơn với môi trường và xã hội. 

"Quan hệ hợp tác tập trung trước hết vào các lĩnh vực cung cấp năng lượng một cách có hiệu quả, năng lực tiếp cận thị trường của năng lượng tái tạo, bảo vệ vùng ven biển bằng cách trồng lại các vùng rừng ngập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và thực thi kinh tế rừng bền vững ở Miền Bắc và Miền Trung Việt Nam. 

Đại diện của phái đoàn đàm phán hai bên trao đổi văn kiện.

Ngoài ra hai bên còn thỏa thuận hỗ trợ trồng lúa lúa bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ sáng kiến "Trung tâm Đổi mới sáng tạo Xanh", thông cáo có đoạn viết.

Về nội dung hợp tác này, ví dụ như các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ của vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hưởng lợi thông qua việc được kết nối với chuỗi giá trị gia tăng. Trong lĩnh vực đào tạo nghề hai nước muốn vận động các doanh nghiệp Việt Nam và Đức nhận đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên Việt Nam trên khắp cả nước.

Trong thông cáo của mình, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng cho biết, Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang (BMU) đã cam kết 30 triệu Euro cho đợt hỗ trợ tiếp theo trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu quốc tế để tài trợ các dự án  bảo vệ tính đa dạng sinh học và bảo vệ khí hậu ở Việt Nam. BMU còn cung cấp thêm gần 11 triệu Euro cho một dự án nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên sông Mekong.

Hai đoàn đàm phán chụp ảnh lưu niệm. 

"Cuộc đàm phán chính phủ năm nay đã diễn ra trong một thời điểm quan trọng: Chính phủ Việt Nam hiện nay đang xác định mục tiêu kinh tế và xã hội cho thập niên tiếp theo trong một chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cũng đang cải cách toàn diện các chiến lược hợp tác phát triển, để phù hợp hơn với những thực tế đang thay đổi tại các nước đối tác và để kiến tạo hiệu quả hơn nữa đóng góp của mình để thực hiện Nghị trình quốc tế, đặc biệt là để thực hiện Nghị trình 2030 và các mục tiêu bảo vệ khí hậu của Thỏa thuận chung Paris", thông cáo nhấn mạnh.

Năm 2020, Việt Nam và Đức sẽ cùng nhìn lại 45 năm hợp tác ngoại giao thành công. Một cột mốc trong quan hệ hợp tác này là "Quan hệ đối tác chiến lược"đã được hai nước thỏa thuận năm 2011, mà trong đó Hợp tác phát triển là một thành phần cơ bản.


H.Chi
.
.
.