Phạt lên đến 750 triệu đồng đối với vi phạm giao thông
- Cục trưởng Cục CSGT kiểm tra công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
- Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT
- Đổi mới công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật của 12/142 điều, bổ sung mới 2 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều của Luật hiện hành. Trong đó, dự thảo Luật quy định tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 Luật hiện hành như giao thông đường bộ, giao thông đường sắt, giao thông đường thủy nội địa (lên đến 750 triệu đồng); với các hành vi vi phạm trong đê điều, khám bệnh dược, trang thiết bị y tế, kinh doanh phân bón (lên đến 100 triệu đồng); thủy lợi, kinh doanh bất động sản…
Hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả có mức phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng...; lĩnh vực báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng và kinh doanh bất động sản từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
Phiên họp toàn thể của Uỷ ban Pháp luật |
Tại phiên họp, ý kiến các đại biểu cho rằng: dự thảo luật đề xuất tăng mức xử phạt tối đa về các lĩnh vực còn chung chung, việc nâng mức phạt tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể, thiếu tính thuyết phục.
Theo Báo cáo ý kiến về dự án Luật của Thường trực Ủy ban Pháp luật, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trình bày cho rằng, hồ sơ dự án Luật còn khá sơ sài, các tài liệu chưa phân tích, làm rõ được lý do, căn cứ và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hầu hết các nội dung của dự thảo Luật. Có lĩnh vực cơ quan soạn thảo giải trình là “chưa cần thiết phải tăng mức phạt tối đa trong lĩnh vực này” nhưng dự thảo Luật lại thể hiện tăng mức phạt tiền tối đa: như về lĩnh vực giáo dục. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực hiện nay đã cao hơn khá nhiều mức tối thiểu của khung hình phạt tiền được Bộ Luật hình sự quy định là hình phạt chính đối với các tội ở cùng lĩnh vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: “Luật xử lý vi phạm hành chính là đạo luật cơ bản điều chỉnh các vấn đề xử lý vi phạm hành chính. Trong đó xác định thế nào là vi phạm hành chính. Quy định người vi phạm hành chính thì bị xử lý như nào. Mức phạt tối đa bao nhiêu, trình tự thủ tục, các biện pháp khắc phục hậu quả đều quy định cụ thể trong Luật. Giao cho Chính phủ quy định là chính phủ cụ thể hóa những quy định của Luật chứ không đặt ra quy định mới.”
Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho rằng: trong lĩnh vực giao thông, việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn nhẹ hơn mức phạt tiền dẫn đến người có vi phạm bỏ tài sản, không chấp hành quyết định xử phạt; việc trông giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khó khăn do thiếu nhà kho, bến bãi trong lĩnh vực giao thông; công tác kiểm tra, theo dõi thi hành biện pháp khắc phục hậu quả còn chưa thực hiện đầy đủ, chưa thực sự hiệu quả.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần được tổng kết thực tiễn, đánh giá kỹ tác động đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp. “Việc nâng mức phạt tiền tối đa với vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực được nhiều ý kiến tán thành. Song để đưa ra quy định cụ thể cần chỉ rõ lĩnh vực nào, hành vi nào mới áp dụng mức phạt trung bình, tối thiểu hay tối đa được Luật hiện hành quy định. Nếu chưa có những thông số này trong hồ sơ dự án Luật sẽ gây khó đối với việc cho ý kiến”.
Nhấn mạnh quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành cần phối hợp đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, thống nhất quan điểm trước khi trình dự án Luật ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín tới.