Đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng APEC và các CEO

Thứ Năm, 24/08/2017, 21:15
Chiều 24-8, trong khuôn khổ Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017 tại TP Cần Thơ, Đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng APEC và các CEO với chủ đề “Sử dụng có trách nhiệm các nguồn tài nguyên giúp tăng cường sản xuất lương thực bền vững” diễn ra sôi nổi. 

Có 2 phiên đối thoại với nhiều nội dung khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong phát triển kinh tế.

Cuộc đối thoại với sự có mặt của 25 Đoàn với gần 150 đại biểu từ các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong khu vực APEC. Tại cuộc đối thoại này đã khẳng định nhận thức chung về vai trò quan trọng của cộng đồng DN khu vực cũng như những cam kết chung về việc tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan trong nỗ lực ứng phó với những vấn đề chung, như: an ninh lương thực (ANLT); tình trạng khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). 

Với 2 phiên đối thoại, xoay quanh vấn đề: Sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để đảm bảo sản xuất lương thực bền vững và lợi nhuận cao cho các đối tác trên toàn chuỗi. Đầu tư sản xuất lương thực và chế biến lương thực bền vững - vai trò của khu vực công và tư. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà (thứ 2 từ phải qua), trao đổi với các đại biểu tại phiên đối thoại. 

Các Bộ trưởng và các CEO đã chia sẻ nhiều vấn đề thực trạng sản xuất và phát triển chuỗi nông sản, sự tham gia của DN trong chuỗi. Vai trò của Chính phủ trong thúc đẩy….

Phát biểu khai mạc phiên đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà cho rằng, sau gần 20 năm kể từ lần đầu tiên khi Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC thiết lập Hệ thống lương thực APEC vào cuối năm 1998 với 3 sứ mệnh cơ bản: giải quyết phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; phổ biến những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; chế biến thực phẩm và thúc đẩy thương mại sản phẩm lương thực, đến nay các sứ mệnh này vẫn giữ nguyên. 

Tuy nhiên, tài nguyên đất, nước, biển và rừng đang ngày càng quý hiếm do tác động của tình trạng gia tăng dân số, đô thị hóa và các hiện tượng thời tiết cực đoan và cả những bất ổn khác đang thách thức tăng trưởng, phát triển của khu vực và toàn cầu khác. Cộng đồng DN là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của mỗi biến động đó. 

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong những năm qua, khu vực tư nhân đã chủ động tham gia một cách tích cực vào việc nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tự nhiên và con người nhằm đảm bảo sản lượng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, những nỗ lực đó là chưa đủ: chất lượng đất nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện, sản phẩm sản xuất ra hoặc sản phẩm khai thác vẫn bị thất thoát và lãng phí. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà, phát biểu khai mạc phiên đối thoại.

Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, có trách nhiệm và tái tạo nguồn lợi đang được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết. Điều này cần sự tham gia của cộng đồng DN, vừa giúp các Chính phủ huy động mọi nguồn lợi xã hội đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, phát triển khoa học và công nghệ nhằm sử dụng nguồn lợi hiệu quả tài nguyên. 

Tại buổi đối thoại, mô hình hợp tác công - tư là vấn đề trọng tâm được các Bộ trưởng các nền kinh tế lưu ý. 

“Chúng ta cần nỗ lực hợp tác để khu vực tư nhân, với sự đi đầu của các DN và các tập đoàn tham gia mạnh mẽ hơn nữa, trở thành đối tác chính giúp các nền kinh tế hình thành khả năng phục hồi sản xuất và thích ứng với BĐKH. Không có sự tham gia của cộng đồng DN, mọi nỗ lực của các Chính phủ sẽ trở nên đơn độc và yếu ớt. Mô hình hộp tác công – tư đem lại những lợi ích lâu dài, tối đa hóa hiệu quả hoạt động của cả khu vực công và khu vực tư nhân; tạo ra sức mạnh lan truyền, cổ vũ và tạo động lực giúp huy động các nguồn lợi xã hội” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết. 

Hợp tác công - tư (PPP) nhằm sử dụng nguồn lợi tự nhiên hiệu quả, đảm bảo sản xuất ổn định, nâng cao năng suất, tăng cường ANLT cho khu vực trong bối cảnh chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp từ BĐKH.

Các đại biểu tham dự phiên đối thoại. 

Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và kiện toàn môi trường chính sách, khuyến khích sự phát triển của mô hình PPP và đã đạt được những thành tựu ban đầu trong việc thí điểm một số mô hình sản xuất bền vững với các sản phẩm chủ lực. 

Để thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị và cạnh tranh toàn cầu. 

Để giải quyết vấn đề này, cần tổ chức lại khâu sản xuất, thúc đẩy các hình thức liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với DN, DN với DN. Nhà nước cần chuyển dần vai trò từ người thực hiện sang vai trò là Nhà nước kiến tạo, phục vụ, thiết lập khung pháp lý khuyến khích, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân. 

Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển lợi thế này thì chúng ta phải không ngừng đổi mới áp dụng khoa học nhằm tăng năng suất, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời đưa ngày càng nhiều sản phẩm của chúng ta vào những thị trường khó tính với yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cao. 

Để mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập, bên cạnh việc phát triển sản xuất cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cả ở những thị trường truyền thống và những thị trường mới… 

Văn Đức
.
.
.