Đổi mới, nâng cao hiệu quả giám định tư pháp

Thứ Năm, 25/08/2016, 07:56
Chiều 24-8, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 258 đã chủ trì Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp (Đề án 258).


Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả của công tác GĐTP thời gian qua, nhất là từ khi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực; sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban chỉ đạo Đề án 258, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nhất là các tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu giám định với các cơ quan giám định như Công an, Toà án, Ngân hàng, Tài chính, Môi trường, Y tế…

Những chuyển biến và thành tựu rõ rệt trên đã cho thấy công tác GĐTP ngày càng đi vào nền nếp, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2020, BCĐ cần chọn một số bộ, ngành, địa phương có nhiều yếu kém, vướng mắc để kiểm tra, phát hiện khó khăn và giúp tháo gỡ trong công tác này.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn  thiện thể chế, pháp luật về GĐTP, nhất là giám định vụ việc phục vụ cho đấu tranh phòng chống tham nhũng, quy định chặt chẽ về thời hạn trưng cầu giám định, ban hành các quy chuẩn giám định phù hợp với từng giám định như tài chính, xây dựng, GTVT, y tế; xác định rõ cơ chế đánh giá; quy định cụ thể trách nhiệm trong kết luận giám định; quy định các biện pháp xử lý với cơ quan từ chối, né tránh giám định hoặc ban hành kết luận giám định chung chung, không rõ ràng…

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Công tác GĐTP đã có nhiều thay đổi sau khi ban hành Đề án 258.

Trong 5 năm thực hiện, hầu hết các nhiệm vụ lớn của đề án đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện, nhất là công tác tiến hành tố tụng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cải cách tư pháp, nhu cầu giám định tư pháp của các tổ chức, cá nhân trong các quan hệ hành chính, dân sự…

Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra những yếu kém trong công tác GĐTP, nhất là thực hiện giám định phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, môi trường, đất đai, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu việc xây dựng các tổ chức giám định độc lập và cán bộ chuyên trách giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng... đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giám định hiện nay.

PV (Theo Chinhphu.vn)
.
.
.