Doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra 62% việc làm

Thứ Ba, 22/11/2016, 15:16
“Đóng góp lớn nhất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa là công tác giải quyết công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, từ đó góp phần ổn định chính trị xã hội…” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ngày 22-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc xây dựng và ban hành luật nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

ĐBQH Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ thời gian qua chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước và tạo ra 62% việc làm. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng.

ĐBQH Trần Thị Hiền

“Hiện nay, có lẽ những vấn đề như khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do thiếu tài sản đảm bảo, trình độ khoa học, công nghệ và năng lực đổi mới còn thấp, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động còn hạn chế, năng lực tiếp cận chính sách là những vấn đề cần được tập trung, quan tâm luật hóa những nội dung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để đạt kết quả” – ông nói.

Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu nhất trí căn cứ tổng nguồn vốn và lao động bình quân. Tuy nhiên, để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa chính xác, khách quan thì Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xác định tiêu chí ưu tiên trong hai tiêu chí trên. “Đồng thời phải xem xét kết hợp với tiêu chí tổng doanh thu khi tiêu chí ưu tiên chưa đạt. Thực tế có doanh nghiệp khoa học công nghệ số lao động không lớn, nhưng tổng doanh thu không nhỏ”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đồng tình việc sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và số lao động để phân loại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, tiêu chí về số lao động cần được quy định rõ gắn với tiêu chí tham gia bảo hiểm xã hội, làm cơ sở để kiểm soát và đối xử công bằng, đồng thời cũng là biện pháp tích cực để thúc đẩy mở rộng diện bao phủ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tranh luận về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) nói: “Với kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, chúng tôi thấy rằng hiện nay trên thế giới, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa đều sử dụng tiêu chí doanh thu là chủ yếu. Sau đó mới là tiêu chí lao động, vốn… Ví dụ Mỹ, Malaysia, Singapore sử dụng hoàn toàn tiêu chí doanh thu để phân loại doanh nghiệp, họ còn phân ra doanh thu theo ngành”

Ông dẫn chứng, ở Việt Nam hiện nay hầu hết tất cả các ngân hàng thương mại đều sử dụng tiêu chí doanh thu khi cho doanh nghiệp vay. “Khi làm báo cáo, các ngân hàng điều chỉnh theo tiêu chí nguồn vốn và số lao động, nhưng khi cho vay họ sử dụng tiêu chí doanh thu. Ban soạn thảo cần xác định tiêu chí doanh thu. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng để hỗ trợ đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả nhưng không bị lợi dụng” – đại biểu nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong báo cáo Ban soạn thảo đã phân tích và cân nhắc rất nhiều về tiêu chí là nên theo doanh thu, theo vốn, hay theo lao động.

“Báo cáo doanh thu thay đổi thường xuyên nhưng vốn và lao động rất khó thay đổi. Quốc tế đến nay người ta chỉ sử dụng hai cái, hơi ngược chỗ đại biểu Thắng nói là dựa vào doanh thu thì tôi không biết ở đâu dựa vào doanh thu. Nhưng chúng tôi tập hợp toàn dựa theo vốn và dựa theo lao động”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, đóng góp lớn nhất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa là công tác giải quyết công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và giảm bất bình đẳng trong xã hội, từ đó góp phần ổn định chính trị xã hội, giảm tệ nạn… Bởi vậy cần ban hành luật này để luật hóa và cụ thể hóa những chủ trương, chính sách một cách khả thi hơn, tạo sự đóng góp giúp cho các doanh nghiệp một cách cụ thể nhất và khả thi nhất.

“Chúng ta phải có tư duy mạnh mẽ, đột phá hơn, tầm nhìn chiến lược hơn, có cơ chế chính sách cụ thể. Nếu chúng ta ngại vấn đề này, ngại vấn đề kia không tháo bỏ ra được thì không thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được”, ông nói.

* Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư với 410 ĐBQH tán thành, chiếm tỷ lệ 83,16%.

Q.Vinh
.
.
.