Đoàn Việt Nam góp phần vào thành công chung của Đối thoại Shangri-La lần thứ 15

Thứ Tư, 08/06/2016, 07:50
Từ ngày 3 đến 5-6-2016, tại Singapore đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á lần thứ 15 (Đối thoại Shangri-La lần thứ 15). Đây là diễn đàn thường niên quan trọng hàng đầu, quy tụ các quan chức quốc phòng, an ninh và học giả uy tín của nhiều nước trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thảo luận về các thách thức an ninh đang nổi lên trong khu vực.

Từ ngày 3 đến 5-6-2016,tại Singapore đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á lần thứ 15 (Đối thoại Shangri-La lần thứ 15). Đây là diễn đàn thường niên quan trọng hàng đầu, quy tụ các quan chức quốc phòng, an ninh và học giả uy tín của nhiều nước trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thảo luận về các thách thức an ninh đang nổi lên trong khu vực.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tham dự Đối thoại và có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận đặc biệt về chủ đề “Kiểm soát căng thẳng tại Biển Đông”. Nhân dịp này, Báo Công an nhân dân đã có cuộc phỏng vấn với đồng chí Thứ trưởng về một số điểm nổi bật của Đối thoại Shangri-La năm nay.

PV: Trước hết, xin cảm ơn đồng chí Thứ trưởng đã dành thời gian phỏng vấn và đề nghị đồng chí cho biết đánh giá chung của mình về Đối thoại Shangri-La lần thứ 15?

Thứ trưởng Bùi Văn Nam: Năm nay, Đối thoại Shangri-La kỷ niệm tròn 15 năm ra đời. Có thể tóm tắt mấy điểm nổi bật của Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 như sau: Thứ nhất, Đối thoại năm nay có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu đến từ trên 30 quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có 21 quan chức cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tham dự của Thủ tướng Thái Lan với tư cách là diễn giả chính. 

Điều này cho thấy, Đối thoại Shangri-La ngày càng trở thành diễn đàn hàng đầu của khu vực để các quan chức quốc phòng, an ninh và chuyên gia nghiên cứu uy tín gặp gỡ, trao đổi về tình hình, quan điểm và thúc đẩy các biện pháp hợp tác giải quyết các thách thức an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ hai, Đối thoại năm nay, với 5 phiên toàn thể và 6 phiên thảo luận đặc biệt, các đại biểu đã tập trung đánh giá và trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn về tình hình và các biện pháp hợp tác để giải quyết những vấn đề an ninh cấp thiết nhất đang nổi lên ở khu vực, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, an ninh, an toàn hàng hải, khủng bố quốc tế, an ninh trên không gian mạng, chương trình hạt nhân của Triều Tiên...

Thứ trưởng Bùi Văn Nam.

Thứ ba, Đối thoại năm nay ghi nhận sự quan tâm rõ nét trong chính sách của các nước chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU) đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong các phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Anh, Pháp đều khẳng định an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương có liên quan mật thiết đến an ninh và lợi ích quốc gia của các nước này và cam kết sẽ kêu gọi các nước EU tăng cường hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng chung trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thứ tư, Đối thoại năm nay cũng cho thấy, trong thời gian tới châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là tâm điểm hợp tác và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Điều này vừa tạo ra thời cơ, thuận lợi song cũng sẽ mang đến những thách thức, khó khăn mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PV: Vấn đề Biển Đông được đề cập như thế nào tại Đối thoại Shangri-La năm nay thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Nam: Có thể nói rằng, vấn đề Biển Đông tiếp tục là một nội dung lớn, bao trùm, được quan tâm nhiều nhất tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Đáng chú ý là trong các phiên thảo luận có đại biểu Trung Quốc phát biểu thì hầu hết các câu hỏi đều tập trung vào chính sách và các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tinh thần chung là hầu hết các nước cả trong và ngoài khu vực đều bày tỏ quan ngại đối với các diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian gần đây, chỉ trích các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng, thúc đẩy quân sự hóa, trái với Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) và luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Đại diện của nhiều nước, nhiều nhà nghiên cứu nêu quan điểm rằng an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông liên quan trực tiếp đến lợi ích và an ninh của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình, an ninh trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), tuân thủ nghiêm túc DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC), tuyệt đối không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 cũng đã có những phát biểu rất thẳng thắn về vấn đề này tại phiên thảo luận đặc biệt về chủ đề “Quản lý căng thẳng ở Biển Đông” và tại phiên toàn thể thứ tư về chủ đề “Các thách thức đối với việc giải quyết xung đột”.

Bên cạnh việc nêu bật tình hình, nguyên nhân khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đông, các đại biểu Việt Nam đã nhấn mạnh Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực hành động tích cực, hợp pháp của tất cả các nước nhằm góp phần duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

PV: Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất về chủ đề “Giải quyết các thách thức an ninh phức tạp của châu Á”, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã nhấn mạnh việc thúc đẩy hình thành một “mạng lưới an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên nguyên tắc”. Đề nghị đồng chí Thứ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?

Thứ trưởng Bùi Văn Nam: Châu Á - Thái Bình Dương đã, đang và sẽ tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, là động lực cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống, đe dọa đến hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng các quốc gia cả trong và ngoài khu vực.

Các thách thức an ninh này hết sức đa dạng, đan xen nhau và mang tính toàn cầu, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ, tận tâm, thiện chí của tất cả các quốc gia, trên cơ sở luật pháp quốc tế, vì lợi ích chung của tất cả các bên liên quan. Hiện nay, ở châu Á - Thái Bình Dương cũng đã có nhiều cơ chế hợp tác cả ở cấp độ song phương và khu vực, trên hầu hết các lĩnh vực, bao gồm các cơ chế hợp tác về quốc phòng - an ninh.

Song, có thể thấy rằng các cơ chế hợp tác này chưa thực sự phát huy hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là chưa tạo dựng được lòng tin chiến lược thực sự giữa các bên. Chính vì thế, việc các nước, bao gồm cả Hoa Kỳ, tiếp tục đề xuất các sáng kiến thúc đẩy cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với các thách thức an ninh chung là rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng các cơ chế hợp tác chỉ có thể đem lại hiệu quả một cách thực chất khi và chỉ khi các quốc gia tham gia phải trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ nghiêm túc các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, vì lợi ích của quốc gia mình nhưng phải hài hòa với lợi ích của các quốc gia khác, không liên kết với quốc gia này để chống lại quốc gia kia; đồng thời, phải đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác giải quyết các thách thức ở khu vực Đông Nam Á.

PV: Đoàn Việt Nam đã có những đóng góp gì tại Đối thoại Shangri-La năm nay thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Nam: Việt Nam tham gia Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 với thành phần gồm đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Quốc phòng, do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu; đoàn của Bộ Công an do tôi dẫn đầu, ngoài ra còn có một số học giả uy tín của một số viện nghiên cứu trong nước.

Từ trước đến nay, Việt Nam luôn coi Đối thoại Shangri-La là diễn đàn quan trọng hàng đầu ở châu Á để các bên liên quan thảo luận, trao đổi về tình hình và quan điểm, biện pháp củng cố lòng tin, cùng nhau giải quyết hiệu quả các thách thức an ninh đang nổi lên ở khu vực.

Trên tinh thần đó, tại các phiên họp toàn thể cũng như phiên thảo luận đặc biệt và trao đổi bên lề với quan chức các nước và giới báo chí quốc tế, đoàn Việt Nam đã có những phát biểu hết sức có trách nhiệm, đánh giá khách quan về các thách thức an ninh mà các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt; đồng thời nêu bật quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; sẵn sàng hợp tác chặt chẽ, thiện chí với các bên liên quan để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề an ninh của khu vực, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của cả khu vực.

Các quan điểm và giải pháp của đoàn Việt Nam nêu ra tại Đối thoại Shangri-La năm nay đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các quan chức và học giả các nước, góp phần vào thành công chung của Đối thoại Shangri-La lần thứ 15.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng.

PV
.
.
.