Nguyên Viện trưởng Viện KSND Đắk Lắk bị khiển trách

Thứ Năm, 04/07/2019, 19:52
Theo kết luận thanh tra, ông Trần Đình Sơn, lúc còn làm Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đã chưa thực hiện hết trách nhiệm nêu gương trong tư cách của người đứng đầu đơn vị; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của ban cán sự đảng cơ quan. 

Kết luận cũng khẳng định ông Sơn có vi phạm trong sử dụng,  kinh phí bảo trì, đầu tư xây dựng cơ bản, để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng…

Theo đó, ngày 4-7, nguồn tin từ Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tại Hội nghị Ban Chấp Đảng bộ tỉnh lần thứ 23 (mở rộng) diễn ra vào ngày 3-7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xem xét và thực hiện quy trình kỷ luật Đảng đối với ông Trần Đình Sơn, đảng viên Chi bộ Tổ dân phố 4, Đảng bộ phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk. Bằng hình thức bỏ phiếu kín, đa số số phiếu đều đồng ý thi hành kỷ luật ông Trần Đình Sơn bằng hình thức…khiển trách.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, trong thời gian từ tháng 6-2010 đến tháng 2-2018, quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Trần Đình Sơn đã có sai phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thực hiện không nghiêm quy chế dân chủ cơ sở tại cơ quan, để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác cán bộ; công tác chuyên môn của ngành; xây dựng cơ bản… Sai phạm của ông Trần Đình Sơn là nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự đảng Viện KSND tỉnh, ngành Kiểm sát tỉnh và cá nhân ông Sơn.

Trụ sở Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, nơi ông Sơn từng công tác để xảy ra hàng loạt sai phạm

Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trần Đình Sơn theo thẩm quyền.

Theo tài liệu mà phóng viên có được, một trong những vụ án mà các lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk “thiếu quyết liệt”, vì là “người thân” của lãnh đạo khiến vụ án kéo dài, bỏ lọt tội phạm gây bức xúc dư luận là vụ Hà Thăng Long và Nguyễn Văn Hiến (cùng trú tại xã Ea Pô, huyện Krông Búk) cùng đồng phạm phạm tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích” (Báo CAND đã có nhiều tin, bài phản ánh).

Theo nội dung vụ án, vào đêm 21-1-2012, Hà Thăng Long, Nguyễn Văn Hiến cùng đồng phạm đã có hành vi giết 1 người, cố ý gây thương tích cho nhiều người. Vụ án sau đó được Cơ quan điều tra Công an Đắk Lắk khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Thăng Long và các đồng phạm về 2 tội danh trên. Điều đáng nói là đối tượng chính trong vụ án là Nguyễn Văn Hiến lại không bị khởi tố mặc dù cơ quan điều tra đã 3 lần đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố đối với bị can này.

Theo kết luận thanh tra, cả 3 lần cơ quan điều tra đề nghị khởi tố đối với bị can Hiến nhưng đều bị ông Trần Đình Sơn (nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk) chỉ đạo không phê chuẩn chỉ vì lý do: “Chưa thu được kiếm của Hiến, Hiến không nhận tham gia đánh nhau, lời khai của một số đối tượng về Hiến còn mâu thuẫn chưa đối chất…”. 

Chỉ vì chỉ đạo của ông Sơn, ngày 18-3-2013, Cơ quan điều tra đã ra Bản kết luận điều tra đề nghị Viện KSND truy tố các bị can trong vụ án nhưng trong đó không có bị can Hiến. Đến ngày 30-9-2013, TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án ra xét xử nhưng đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đề nghị Viện KSND truy tố bị can Hiến. Tuy nhiên, ngày 3-10-2013, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk vẫn giữ nguyên quyết định truy tố như ban đầu.

Vụ án sau đó được TAND Cấp cao 2 lần đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên hủy một phần bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk vì liên quan đến hành vi của Hiến. Ngày 26-4-2016, vẫn những tài liệu ban đầu mà Cơ quan điều tra đề nghị, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Hiến. Hiến sau đó bị xử phạt tổng cộng 20 năm tù về 2 tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Vụ án Hà Thăng Long và Nguyễn Văn Hiến bị ông Sơn “chỉ đạo” gây bức xúc trong dư luận

Không chỉ vụ án nêu trên, mà hàng loạt vụ án khác cũng bị cho “thiếu quyết liệt, kéo dài”, phải hủy án điều tra, xem xét lại là như vụ: “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trường tiểu học Cư Pui 1 (huyện Krông Bông) do Phạm Văn Thắng (kế toán) cầm đầu; vụ Phạm Ngọc Diệu Hiền phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”; vụ Phạm Trọng Nghĩa phạm tội “Đánh bạc và tổ chức đánh bạc”…Cũng do sai sót của tập thể, cá nhân các lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, các vụ án khi đưa ra xét xử, tòa đã phải tuyên hủy, yêu cầu điều tra, xem xét lại…nhiều lần gây bức xúc trong dư luận.

Cũng theo kết luận thanh tra, ông Trần Đình Sơn, lúc còn làm Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đã chưa thực hiện hết trách nhiệm nêu gương trong tư cách của người đứng đầu đơn vị; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của ban cán sự đảng cơ quan. Kết luận cũng khẳng định ông Sơn có vi phạm trong sử dụng,  kinh phí bảo trì, đầu tư xây dựng cơ bản, để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng…


Văn Thành
.
.
.