Đề nghị “nới lỏng” quy định về thời gian bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao
- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mạnh tay dọn rác trên không mạng
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trình bày tờ trình cho biết, để bảo đảm hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và công tác lãnh đạo, điều hành TAND tối cao theo quy định, thì cần phải lựa chọn nguồn cán bộ có đủ điều kiện theo quy định. Trong khi đó, nguồn bổ sung theo quy định của Luật ở giai đoạn quá độ này đã không còn. Đây là điều Nghị quyết số 81 đã không tính đến, ảnh hưởng đến hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao từ năm 2019 trở đi.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, từ thực tiễn nêu trên, để bảo đảm hoạt động bình thường của TAND tối cao báo cáo Quốc hội xem xét cho phép “Từ nay đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. |
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, những khó khăn trong thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao đồng thời là lãnh đạo TAND tối cao đang phát sinh trong thực tiễn cần phải có giải pháp khắc phục để bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và kiện toàn lãnh đạo TAND tối cao. Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với nội dung đề nghị của Chánh án TAND tối cao.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. |
Đại biểu đề nghị việc thực hiện kế hoạch quy hoạch công tác nhân sự của ngành Tòa án cần xem xét lại; nhiều điều về thủ tục cần phải giải trình thêm; thận trọng hơn thì cần có đánh giá tác động và thực hiện đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phân tích vấn đề ở khía cạnh khác, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa- Vũng Tàu) chỉ ra rằng, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có 16 thành viên, bao gồm: Chánh án, 4 Phó Chánh án, 11 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Năm 2019 có 1 đồng chí đã được nghỉ hưu, đến năm 2020 sẽ có 4 đồng chí nghỉ hưu, năm 2021 sẽ có 3 đồng chí nghỉ hưu; đến năm 2022 và sau đó phần lớn Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẽ nghỉ hưu. Đội ngũ lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hiện có 5 người, gồm: Chánh án và 4 Phó Chánh án. Năm 2019, có 1 Phó Chánh án đã nghỉ hưu, năm 2020 sẽ có 1 Phó Chánh án được nghỉ hưu và đến năm 2023 sẽ có 2 Phó Chánh án nghỉ quản lý. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 81 để tạo điều kiện kiện toàn nhân sự, đảm bảo hoạt động TANDTC.
Tán thành việc việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đăk Lăk) phân tích, ko phải TAND tối cao thiếu thẩm phán mà vì hoạt động của hệ thống tòa án quân sự, do đó Quốc hội cần xem xét thông qua sớm để củng cố hoạt động của Tòa án tối cao và Tòa án quân sự trung ương.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trân trọng những ý kiến góp ý xác đáng, tâm huyết của các ĐBQH. Giải trình rõ một số nội dung, Chánh án TANDTC nêu rõ, rất cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 81 để bảo đảm hoạt động bình thường của Tòa án nhân dân tối cao; hơn nữa các Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm từ tháng 01/2017 trở lại đây đủ điều kiện quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao giai đoạn 2016-2021 và một số đủ điều kiện quy hoạch giai đoạn 2021-2026 theo quy định của Đảng và pháp luật.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các ý kiến thảo luận của ĐBQH đều nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81 về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tư pháp, Chánh án TANDTC và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, chuẩn bị báo cáo, giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.