Đảm bảo an ninh năng lượng phải là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Năm, 20/02/2020, 08:38
Theo nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vấn đề bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia phải là nền tảng, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.


Sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ. 

Năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hoá dầu phát triển mạnh; sản lượng khai thác dầu khí tăng cao, hình thành được một số cơ sở lọc hoá dầu quy mô lớn. 

Tuy vậy, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. 

Bởi vậy, một nghị quyết mới để định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là thực sự cần thiết trong thời điểm hiện nay. Vì thế Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực xây dựng Nghị quyết. 

Và ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị đã chính thức ký ban hành Nghị quyết mới, mở ra hướng phát triển cho năng lượng trong thời gian tới.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. 

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Theo các chuyên gia, Nghị quyết được đánh giá là một bước đột phá mới trong phát triển năng lượng quốc gia, là kim chỉ nam cho các hoạt động phát triển năng lượng đi đúng hướng, làm tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Hà An
.
.
.