Tìm giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Thứ Tư, 29/05/2019, 09:22
Ngày 28-5, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo “Tìm giải pháp phát triển nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, nhằm vạch ra những khó khăn, bất cập, hạn chế trong việc phát triển nguồn điện, từ đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định, xây dựng cơ chế chính sách, tìm giải pháp thích hợp, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng điện cho quốc gia.

Ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có mục tiêu, điện thương phẩm vào năm 2020 sẽ là 235-245 tỷ kWh, năm 2025 là 352-379 tỷ kWh và đến năm 2030 là 506-559 tỷ kWh; điện sản xuất và nhập khẩu năm 2020 là 265-278 kWh, năm  2025 là 400-431 kWh và năm 2030 sẽ là 572-632 tỷ kWh. 

Về cơ cấu nguồn điện thì có 6 nguồn chính, gồm: Thủy điện, điện hạt nhân (dừng thực hiện), điện nhập khẩu, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo và nhiệt điện than. Trong đó, thủy điện có gía điện thấp nhất trong các loại nguồn điện, khoảng 1.000 đồng/kWh (nhiệt điện khí trong nước khoảng 2.500-2.800 đồng/kWh, nhập khẩu 2.100-2.300 đồng/kWh, năng lượng tái tạo 2.100 đồng/kWh...). 

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tuy nhiên, các nguồn thủy điện lớn và vừa cũng đã khai thác hết, chỉ còn một số ít  các dự án thủy điện nhỏ, hiệu quả thấp đang khai thác dần, tiềm năng thủy điện nhỏ này khoảng 4.000-5.000 MW. Điện năng  sản xuất từ thủy điện đến năm 2030 chỉ còn chiếm khoảng 12,4%. 

Về nguồn điện nhập khẩu: Hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1.000 MW từ Trung Quốc, Lào và trong thời gian dự kiến sẽ mua thêm điện từ Trung Quốc và Lào khoảng 3.000 MW vào năm 2025 và mua 5.000 MW vào năm 2030. Bộ Công Thương đang trình Thủ tuớng Chính phủ khung  giá mua điện từ Lào để làm cơ sở đàm phán mua điện nhập khẩu.

PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ngành điện thì sản xuất điện, còn người sử dụng thì không thể kiểm soát được. Rõ ràng, ngành sản xuất điện và người tiêu thụ điện chưa thể “bắt tay” nhau. 

Vì vậy, đến lúc này cần phải có cái nhìn nhận của tầm quốc gia. Nói cách khác, an ninh năng lượng không chỉ nghĩ đến khâu cung, mà còn nghĩ đến cầu, chứ nếu cung và cầu lệch nhau thì không thể ổn định an ninh năng lượng, và giá điện vẫn mãi là vấn đề của xã hội.

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, với tình hình năng lượng như hiện nay, chúng ta đang đứng trước một bài toán khá nan giải: Thủy điện chúng ta gần như hết năng lực sản xuất, điện hạt nhân thì Quốc hội thống nhất cho dừng thực hiện, nhiệt điện thì nhiều hạn chế, năng lượng tái tạo thì cũng không thể giữ vai trò chủ đạo... Vì vậy, tìm hướng giải quyết vấn đề để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là hết sức cần thiết.

T.Hà
.
.
.