Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đại hội XIII của Đảng - dấu mốc quan trọng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới

Thứ Bảy, 19/09/2020, 08:18
Đặt trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những biến động nhanh chóng, khó lường, kinh thế thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng; tình hình trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, càng cho thấy cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà Việt Nam có được như ngày nay có ý nghĩa hết sức to lớn.

IV - Niềm tin vào cơ đồ và tương lai của đất nước

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói rằng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Sự khẳng định này hoàn toàn có cơ sở, phản ánh chính xác, khách quan thực tiễn ở Việt Nam. Đó là niềm tự hào về những thành tựu lớn lao của dân tộc ta, là niềm tin của mỗi người Việt Nam vào tương lai xán lạn của đất nước.

Chúng ta còn nhớ cách đây 55 năm, trong bài viết “Thật là vẻ vang” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 17-9-1965, có đoạn: “Trước ngày Cách mạng Tháng Tám, dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ vô cùng tủi nhục. Trên địa đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”. Thực dân Pháp gọi đồng bào ta là lũ Annamít dơ bẩn. Thiên hạ gọi chúng ta là vong quốc nô”. Trong tình cảnh nước mất nhà tan đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vượt qua biết bao sự hy sinh, gian khổ để tổ chức, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

Ngay sau khi giành độc lập, dân tộc ta lại bước vào thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc suốt gần 30 năm trường kỳ gian khổ và kết thúc bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đánh giá về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”.

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng CNXH. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đối phó với nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, dân tộc ta vừa thực hiện công cuộc xây dựng đất nước, vừa bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Sau gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, có cơ sở vật chất – kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ rất thấp, ngày nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người, thuộc nhóm nước đang phát triển, có thu nhập trung bình (2.800 USD/người); văn hóa, xã hội có bước phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể; công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, kiện toàn và ngày càng vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố, bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, ngăn chặn kịp thời các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm do khủng hoảng nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng khá, 2 năm gần đây đều đạt trên 7%, là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 79 tỷ USD; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB - lên BB với triển vọng “tích cực”; năng lực cạnh tranh của Việt Nam (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới) tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tiềm lực và uy tín của Việt Nam một lần nữa được khẳng định khi chúng ta trở thành một điểm sáng của thế giới trong việc khống chế, ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19.

Về đối ngoại, Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa trong hoạt động đối ngoại... Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia là thành viên Liên hợp quốc; là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; là thành viên của trên 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Lần thứ hai, Việt Nam được bầu Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với số phiếu tín nhiệm rất cao (192/193 phiếu).

Việt Nam là địa điểm được chọn tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, như: Hội nghị cấp cao APEC 2017, Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF 26) năm 2018, Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN 2018), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 (2019)… Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 18 triệu lượt người, tăng 16,2% so với năm 2018, là năm thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Điểm sáng hàng đầu châu Á”.

Đặt trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những biến động nhanh chóng, khó lường, kinh thế thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng; tình hình trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, càng cho thấy cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà Việt Nam có được như ngày nay có ý nghĩa hết sức to lớn. Một câu hỏi đặt ra, tại sao dân tộc ta từng chịu đựng nhiều khổ đau, nhiều lần đứng trước những thử thách cam go, khắc nghiệt nhưng vẫn tồn tại, phát triển và gây dựng được cơ đồ như ngày nay?

Trước hết, đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của đất nước ta suốt 90 năm qua. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; Đảng luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để ngày càng vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử nhân dân giao phó. Đó còn là vì, nhân dân ta giàu lòng yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng.

Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam là một tài sản vô giá, là sức mạnh tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi Tổ quốc lâm nguy hay đất nước đứng trước khó khăn, thử thách... thì sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc lại được khơi dậy, được củng cố và phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi thách thức.

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam hôm nay là bằng chứng thuyết phục để tiếp tục khẳng định con đường mà chúng ta đang đi là đúng đắn, hợp quy luật, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Và thực tiễn đó cũng khẳng định một chân lý: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(1). Điều đó tự nó đã phản bác những luận điệu xuyên tạc cho rằng “Việt Nam kiên định con đường đi lên CNXH là sai lầm”. Còn những kẻ lớn tiếng đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hãy tự suy ngẫm về những lời nói và hành động của mình.

Thấy được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày nay, chúng ta có thêm niềm tin, niềm phấn khởi và tự hào về dân tộc ta, về non sông đất nước ta. Đó là động lực tinh thần to lớn để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục phấn đấu, chung sức đồng lòng với quyết tâm chính trị cao nhất, sẵn sàng đón nhận và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045, có đầy đủ tiềm lực và vị thế, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thỏa mãn tâm nguyện của Hồ Chí Minh lúc sinh thời và khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta. n

(1) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2020).

PGS.TS Trần Quang Tám
.
.
.