Đại hội XIII của Đảng - dấu mốc quan trọng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới

Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:00
Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”.


III - Nhân dân là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới

Bài học đó tiếp tục được khẳng định trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đăng trên Báo Nhân Dân ngày 01-9-2020: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của Nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”.

Như vậy, trong quan điểm “dân là gốc” của Đảng, Nhân dân được xác định là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới đất nước. Theo đó, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều phải xuất phát từ nguyện vọng của Nhân dân, vì mục tiêu bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của Nhân dân. Mục tiêu của công cuộc đổi mới là xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó chữ “dân” được đặt ở vị trí đầu tiên.

Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đã chứng minh, nhiều ý kiến, nguyện vọng chính đáng và sáng kiến của Nhân dân nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống đã trở thành nguồn gốc hình thành đường lối, chủ trương của Đảng. Thực tiễn cũng cho thấy, chủ trương, chính sách nào phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, bảo đảm các quyền và lợi ích của Nhân dân, “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện thành một, thì chủ trương, chính sách đó được Nhân dân đồng tình ủng hộ, nhanh chóng đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả; chủ trương, chính sách nào không xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân, thì sẽ rất khó đi vào cuộc sống, thậm chí thất bại. Có thể khẳng định, thực tiễn cuộc sống đã góp phần bổ sung, làm sâu sắc hơn bài học quý báu này.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc rằng, vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân là Đảng phải quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”, “sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân”... Chính phủ đã dành gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam không chỉ được thế giới ghi nhận, đánh giá cao, mà còn khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, có những chính sách, một số việc làm còn chưa thật đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với tổ chức đảng, chính quyền, như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... Có nơi, cấp ủy và chính quyền địa phương chưa đánh giá đúng những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân để có chủ trương, chính sách phù hợp. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp tích cực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Trong khi ở nhiều nơi, đời sống Nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, nhưng vẫn có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo chủ chốt chỉ lo thu vén cá nhân, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội.

Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị và tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đây là thời điểm quan trọng, đồng thời là dịp tiếp tục phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia vào các công việc của Đảng. Xác định Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới thì phải có cơ chế để Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng đường lối đổi mới; Nhân dân là nguồn lực chủ yếu thực hiện công cuộc đổi mới; Nhân dân là người kiểm tra, giám sát quá trình đổi mới và là người thụ hưởng những thành quả do đổi mới mang lại.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội XIII cũng như trong công tác cán bộ của Đảng cần thể hiện đầy đủ tinh thần phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện độc đoán, chuyên quyền cũng như hiện tượng dân chủ hình thức. Cần có những hình thức lấy ý kiến phù hợp để nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy tối đa trí tuệ của Nhân dân tham gia góp ý vào các văn kiện của Đảng ngay từ cơ sở. Mọi ý kiến đóng góp của Nhân dân cần được nghiên cứu, xem xét nghiêm túc, thấy đúng thì phải tiếp thu, bởi những ý kiến đó mang hơi thở của cuộc sống, như Bác Hồ từng nói: “Quần chúng rất nhiều sáng kiến, họ hiểu biết rất mau, nhất là những cái thuộc về quyền lợi của họ... Việc gì cũng bàn bạc với quần chúng, thì dù vấn đề khó khăn mấy cũng sẽ giải quyết được hết”(1).

Các tổ chức đảng cần có hình thức phù hợp phải vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đóng góp ý kiến về xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, lấy sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng - đó là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bài học về quán triệt quan điểm “dân là gốc”, Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục là cơ sở quan trọng để Đảng ta vận dụng, phát huy trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, giúp Đảng ta có thêm sức mạnh và bản lĩnh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Quan điểm đó cần phải được quán triệt ngay từ khâu xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cũng như các chủ trương, chính sách triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội.

Với tinh thần đó, mọi chủ trương, chính sách của Đảng đều phải xuất phát từ nguyện vọng của Nhân dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân. Ngay cả đối với chủ trương, chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân; trong quá trình tổ chức thực hiện nếu phát hiện trong chủ trương, chính sách có điểm nào chưa phù hợp với thực tế cuộc sống phải kịp thời điều chỉnh. Đó là biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để thực hiện đúng quan điểm “dân là gốc”, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Trong tình hình hiện nay, nếu chủ trương, chính sách của Đảng không xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân; nếu Đảng không quan tâm chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thì dù chúng ta có tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của Nhân dân hay đến mấy cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục. Vì vậy, khi đưa ra các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích của Nhân dân, chúng ta cần khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không nên”(2).

                                     (Còn nữa)

---------------------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.8-tr.48, t.5-tr.333.

PGS.TS Trần Quang Tám
.
.
.