Đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều quy định của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
- Ngày 16/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường dự án Luật Cư trú (sửa đổi)
- Xin ý kiến Quốc hội 2 vấn đề về Luật Cư trú (sửa đổi)
- Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ được thảo luận trong đợt 2 kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV
- Đồng ý đưa Luật cư trú (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV
Minh bạch giao dịch của cơ quan hành chính với người dân
ĐBQH Triệu Thị Huyền (Yên Bái) đánh giá, đây là dự thảo luật nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân. Về sự thay đổi phương thức quản lý dân cư mới, dự thảo luật quy định về việc quản lý dân cư và mã số định danh cá nhân thay thế cho quy định về sổ hộ khẩu, mặc dù cuốn sổ này đã tồn tại gần 70 năm qua với những vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân. Đây là sự thay đổi tích cực, phù hợp sự phát triển của trình độ khoa học công nghệ, thông tin, đồng thời cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới...
ĐBQH Triệu Thị Huyền. |
"Phương thức quản lý mới về dân cư góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư; cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong giao dịch với người dân", nữ đại biểu nhận định. Tuy nhiên, để đảm bảo thuận lợi trong việc triển khai dự án luật này, ĐBQH Triệu Thị Huyền cũng đề nghị Chính phủ cần đưa ra lộ trình tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân mà Bộ Công an hiện đang triển khai.
ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng, điểm mới căn bản của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) là chủ trương bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thay thế bằng số định danh cá nhân. Theo đó, quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân sẽ đem đến nhiều lợi ích, tăng khả năng khai thác về thông tin dân cư, hạn chế tình trạng trùng lặp thông tin, giảm chi phí xã hội.
ĐBQH Đinh Công Sỹ. |
"Một ví dụ trong báo cáo đánh giá tác động được Chính phủ đưa ra là mỗi năm có 1 triệu trẻ em được sinh ra, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi 10 tỷ đồng để cấp thẻ Bảo hiểm y tế mới, và chi phí cấp tờ khai bảo hiểm y tế mới là 10 tỷ đồng. Nếu 30 triệu người cấp mới thì con số lên tới 300 tỷ đồng. Khi thực hiện phương thức quản lý dân cư mới, Cơ quan Bảo hiểm xã hội sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, cụ thể là số định danh cá nhân thì chi phí này sẽ không còn nữa", đại biểu Đinh Công Sỹ viện dẫn.
Về mặt thủ tục hành chính, ĐBQH tỉnh Sơn La dẫn chứng theo báo cáo của Bộ Công an, trong quản lý cư dân có 13 thủ tục hành chính được bãi bỏ, cắt bỏ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra có 27 thủ tục hành chính khác đòi hỏi phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, tác động đến hàng triệu công dân cũng sẽ được bãi bỏ, trong đó nhiều thủ tục đòi hỏi bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu thì những chi phí về thời gian, tiền bạc của công dân khó có thể định lượng được hết...
Thay đổi có tính đột phá, giảm chi phí và phiền hà cho người dân
ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cơ bản nhất trí với quan điểm của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết sửa đổi Luật Cư trú nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra tại kỳ họp. Những năm qua cho thấy dịch chuyển dân cư do tác động của quá trình đô thị hóa cũng như quy luật cung cầu về lao động cho các khu công nghiệp, dịch vụ tập trung và chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta là một thực tế đã và đang diễn ra ngày càng lớn. Theo đó, vấn đề đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 gắn với chiến lược bố trí sử dụng dân cư quốc gia sao cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước là sự cần thiết.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng. |
"Với một trong những nội dung lớn của dự án Luật Cư trú (sửa đổi) là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy để chuyển sang quản lý cư trú bằng khoa học, công nghệ nhằm giảm phiền hà và chi phí cho người dân. Đây là một đề xuất thay đổi có tính đột phá của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý cư trú đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội", đại biểu nêu ý kiến.
Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), việc quản lý dân cư bằng mã số định danh ngoài lý do nêu trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra thì không chỉ đơn giản thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân, mà còn khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý cư trú, dân cư như các phương thức đang áp dụng hiện nay.
Ở góc độ kinh tế, trong quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 trường thông tin được xác định trong Luật Căn cước công dân và với điều kiện phát triển kinh tế số như hiện nay, dữ liệu điện tử và dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư được xem như là công cụ, tư liệu, sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế nhất định. "Đơn cử như cuộc điều tra dân số năm 2019, chắc chắn chi phí trong cuộc điều tra này ở mức thấp hơn, kết quả chính xác hơn, chi phí về thời gian, vật chất ít hơn", đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, khi chúng ta bỏ sổ hộ khẩu giấy thì những thông tin về hộ khẩu hiện nay được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu về cư trú, được khai thác sử dụng trong trường hợp cần thiết, sẽ không cản trở việc thực hiện các quy định trong các lĩnh vực khác như một số đại biểu lo lắng. Mà chính là thuận lợi trong khai thác sử dụng, tránh phát sinh các loại giấy tờ...