Đại biểu Quốc hội muốn có một cá nhân đủ thẩm quyền tại đặc khu

Thứ Sáu, 10/11/2017, 17:10
Thảo luận về Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại tổ, rất nhiều đại biểu đồng ý phương án trao quyền mạnh cho Trưởng Đặc khu để tạo ra đột phá, bởi tổ chức theo mô hình có cả Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thì “lai căng”, “vừa mới vừa cũ” và không khác gì cấp huyện hiện nay.


Không "nhùng nhằng" vừa mới vừa cũ

Đại biểu Đỗ Tiến Sỹ (Hưng Yên) bày tỏ: Mô hình này mới với Việt Nam, nhưng không mới với thế giới, muốn quyết đoán mạnh mẽ thì nên giao quyền cho Trưởng Đặc khu. “Tôi nhất trí phương án 1 – tổ chức thiết chế Trưởng Đặc khu, chứ phương án 2 thì lai căng, vừa cũ vừa mới, bìu ríu mãi, lại xin ý kiến thì mất đi cơ hội. Quan trọng là chọn người”.

Đại biểu cũng cho rằng nếu không thông qua dự án luật trong thời gian tới thì đất nước mất cơ hội phát triển, bởi khi “ta loay hoay bàn thì thế giới đã làm rất lâu rồi, bứt phá rồi”. “Tất nhiên, cũng có lo lắng có bàn tay nước ngoài nhúng vào, nhưng theo tôi vấn đề là cách quản lý thôi. Khi ta mới phát triển kinh tế những năm 1991-1992, các cụm công nghiệp bám dọc Quốc lộ 5 cũ, cũng có ý kiến lo ngại việc “cài cắm” thế lực vào rồi trong đánh ra, ngoài đánh vào, chặn Quốc lộ 5 - cửa ngõ vào Hà Nội. Tuy nhiên, chuyện đó không xảy ra. Chúng ta có lòng tin vào lực lượng quân đội, an ninh và đặc biệt đã có kinh nghiệm 30 năm đổi mới”. Đồng quan điểm, Đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) cho rằng phương án có tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì y như cấp huyện, không còn gì đặc biệt cả.

Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt

Dù vẫn còn quan ngại về việc hiểu Hiến pháp thế nào, “trong thâm tâm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu “cũng vẫn muốn có 1 bộ máy rất tinh gọn, mạnh mẽ, được trao quyền lực và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát”. “Đúng là chúng ta phải chấp nhận tư duy đổi mới, đột phá thì phải có sự khác biệt. Nhưng tôi vẫn băn khoăn về cách hiểu Hiến pháp cho đúng, và Ủy ban Pháp luật cũng băn khoăn chỗ này. Tôi nghĩ cứ để ĐBQH tiếp tục thảo luận và phát phiếu thăm dò để quyết 1 mô hình, nhưng dù mô hình nào cũng phải đảm bảo quyền lực, làm rõ thẩm quyền, làm rõ chế độ trách nhiệm”.

Bộ trưởng Tư  pháp Lê Thành Long cũng nhấn mạnh quan điểm, cơ chế cho đặc khu dứt khoát phải vượt trội chứ không nên tư duy kiểu “nhùng nhằng”, chỗ này mở cho đôi chút rồi đến phần khác lại tìm cách kéo lại, sẽ không giải quyết được vấn đề gì. “Cơ chế kiểm soát đương nhiên là một chìa khoá nhưng kể cả các kênh giám sát cũng nên giảm. Quản lý Đảng chắc chắn có, chính quyền cấp trên cũng cần và thêm một công cụ là quyền dân chủ của người dân là đủ, không cần cả HĐND cấp trên. Mô hình tổ chức này thì khác biệt hẳn” – Bộ trưởng Tư pháp phát biểu.

Nên thi tuyển, bởi Trưởng Đặc khu không phải cán bộ địa phương

Ủng hộ mô hình Trưởng Đặc khu, nhưng ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) băn khoăn về việc trao quyền rất lớn cho vị này, từ thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh... nhưng cơ chế giám sát rất mờ nhạt. “Tạo cho Trưởng Đặc khu quyền chủ động, nếu chủ động mà toàn tâm toàn ý thì tốt, nhưng có thiên ý cá nhân mà không kiểm soát thì rất khó. Đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu”. 

Đáng chú ý hơn, ĐB Quý nêu quan điểm về việc lựa chọn Trưởng Đặc khu theo cách tiếp cận hoàn toàn khác dự thảo luật – vốn đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh sẽ đề nghị, Bộ Nội vụ thẩm định và Thủ tướng bổ nhiệm. “Vì 3 đặc khu không phải chỉ của 3 tỉnh, mà là mô hình thử nghiệm của cả nước, nên người được chọn, được bổ nhiệm không chỉ bó hẹp là người của tỉnh đó. Không thể Chủ tịch UBND tỉnh lựa chọn cán bộ của tỉnh mình để lựa chọn trưởng đặc khu, sẽ không thu hút được người tài đảm nhận công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp này. Đề nghị người bổ nhiệm vẫn là Thủ tướng, nhưng hình thức là thi tuyển để rất nhiều chuyên gia, lãnh đạo các cục, vụ, viện ở các Bộ - những người vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có  kinh nghiệm quản lý, chứ chỉ có Chủ tịch huyện lên làm Trưởng Đặc khu – vị trí có quyền năng rất lớn, thì khó đảm bảo. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều ĐB tại tổ.

Bên cạnh đó, ĐB Trần Văn Quý bày tỏ băn khoăn về việc ông đã có vài lần được nghe luật này, nhưng vẫn có 1 câu hỏi mà cơ quan soạn thảo chưa có câu trả lời, là các đặc khu đóng góp bao nhiêu vào ngân sách các quốc gia. “Thí dụ anh Trung Quốc có mấy khu như vậy, tỷ lệ đóng góp cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu %. Từ đó ta mới thấy cái thiết thực phải tổ chức các mô hình thế này để tạo cú hích cho phát triển kinh tế, tạo sự đột biến. Câu hỏi này Bộ Kế hoạch & Đầu tư chưa trả lời, nên trong tâm tư tôi vẫn còn băn khoăn” – ĐB nhấn mạnh.

Quốc hội quyết 12 chỉ tiêu chủ yếu cho 2018

Sáng 10-11, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội năm 2018 với 12 chỉ tiêu chủ yếu.

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%.

2. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%.

3. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

4. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.

5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP.

6. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

7. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%.

9. Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã).

10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%.

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%.

12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.


Vũ Hân
.
.
.