Đã thấy bản photo bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, ráo riết truy tìm bản gốc
- Thúc đẩy tiến độ đầu tư phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm
- TP Hồ Chí Minh xúc tiến đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM): Quá thiếu quỹ nhà, quỹ đất
- TP HCM: Khu đô thị mới Thủ Thiêm - một dấu ấn chậm trễ
Liên quan đến việc thất lạc bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 đi kèm theo Quyết định số 367 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4-6-1996 về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi phát hiện việc thất lạc, tìm không ra tấm bản đồ gốc này, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại các khâu lưu trữ hồ sơ, từ đơn vị tư vấn trước đây đến Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng như những cơ quan có liên quan đã gửi hồ sơ về khu đô thị mới Thủ Thiêm cho các bộ ngành Trung ương.
“Do thời gian cũng đã rất lâu, có đơn vị đã chuyển địa điểm nên đến thời điểm này đều trả lời không lưu trữ bản đồ. Tài liệu hồ sơ dự án vẫn đang lưu tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nhưng đi kèm với bản đồ quy hoạch này thì không. Việc này Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã nhiều lần báo cáo cho UBND thành phố và Thanh tra Chính phủ, hiện thành phố cũng đã có báo cáo cuối cùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nhã cho biết thêm.
Chánh Văn phòng UBND thành phố Võ Văn Hoan khẳng định, chưa tìm thấy do bản đồ này nằm trong bộ hồ sơ lưu trữ chứ không phải không có bản đồ gốc quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Một phân khu trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. |
“Sở dĩ thành phố và các bộ, ngành đang cố gắng đi tìm là bởi trong quy định về thủ tục hành chính, bộ hồ sơ phải có đầy đủ các thành phần. Rất tiếc là sau hơn 20 năm, công tác lưu trữ lúc đó đặt ra thế nào mà đến giờ này tìm chưa thấy bản gốc. Do đó thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phải truy cho bằng được tấm bản đồ gốc này nằm ở đâu.
Hiện đã tìm được bản photo của tấm bản đồ này nhưng vẫn phải truy tìm bản gốc bởi bản đồ quy hoạch là một trong những thủ tục cần thiết trong bộ hồ sơ không thể không có khi trình Thủ tướng phê duyệt”, ông Hoan nói.
Sau hơn 10 năm chính thức triển khai, đến thời điểm này khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng diện tích 657ha, được quy hoạch là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP Hồ Chí Minh với các chức năng như trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí… đã dần hình thành. Để triển khai dự án này, thành phố đã thực hiện giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, di dời 15.000 hộ dân với số tiền đã chi bồi thường, tái định cư lến đến 30 ngàn tỷ đồng.
Về vấn đề thành phố đang tiến hành đấu giá 4 khu chức năng tại Thủ Thiêm với giá dự kiến ở mức 27-28 ngàn tỷ đồng, ông Hoan chia sẻ, cần phải hiểu là không phải thành phố cho đấu giá xong doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá muốn làm gì thì làm. Mà ở đây chỉ là đấu giá quyền sử dụng đất để đơn vị trúng đấu giá thực hiện các dự án đầu tư đã được quy hoạch ngay tại vị trí vừa trúng đấu giá.
“Người dân cũng cần phải hiểu rằng không phải thành phố thu hồi đất với giá bồi thường thấp rồi đem đấu giá để thu tiền cao hơn cho ngân sách như một số luồng dư luận bấy lâu vẫn suy diễn.
Bởi đây cũng là một hình thức để thành phố lựa chọn nhà đầu tư, ngoài chuyện DN tham gia đấu giá phải có tiền ra, thì còn nhiều yêu cầu như đơn vị trúng đấu giá phải thực hiện đúng mục tiêu đầu tư, đúng quy hoạch đầu tư tại vị trí trúng đấu giá.
Đơn vị tham gia đấu giá phải có năng lực quản lý, đã từng làm những dự án tương tự mới có thể tham gia đấu giá cũng như có trách nhiệm đầu tư hạ tầng phục vụ cho khu vực triển khai dự án để liên kết với hạ tầng quy hoạch chung của khu đô thị.
DN tham gia đấu giá triển khai các dự án tại đây cũng phải ký quỹ và có nhà tài trợ để đảm bảo khả năng huy động vốn. Đồng thời, đơn vị trúng đấu giá phải đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư theo yêu cầu của thành phố”, ông Hoan nói thêm.