Đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì tại phiên chất vấn lần này?

Thứ Hai, 29/10/2018, 18:30

“Đó là phương thức hay để đánh giá đúng được trình độ và khả năng quán xuyến, nắm bắt, điều hành của các Bộ trưởng, trưởng ngành”, đại biểu Trần Văn Mão nói.


Sáng mai, 30-10, Quốc hội bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Toàn án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Phiên chất vấn sẽ kéo dài trong 3 ngày (30-10 đến 1-11).

Khác với thông lệ, một loạt báo cáo của Chính phủ sẽ được trình bày trước, ĐBQH không thảo luận riêng từng báo cáo mà dành toàn bộ thời gian sau đó để hỏi và đáp. 

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, điểm mới trong phiên chất vấn lần này là không chất vấn theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách “cứng” người ngồi “ghế nóng” mà chất vấn tất cả thành viên Chính phủ. Những Bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đều phải trả lời.

ĐBQH Trần Văn Mão

Thông thường, tại kỳ họp giữa năm, Thủ tướng sẽ uỷ quyền cho một Phó Thủ tướng trả lời chất vấn, còn ở kỳ họp cuối năm thì đích thân Thủ tướng đăng đàn. Tuy nhiên tại kỳ họp này do bận các hoạt động đối ngoại, Thủ tướng không trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội mà chỉ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại cuối phiên chất vấn.

Chiều 29-10, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp về Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, trong kỳ này các ĐBQH tiến hành rà soát, xem xét lại tất cả các vấn đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay các thành viên Chính phủ đã hứa và thực hiện đối với Quốc hội và cử tri.

“Trên cơ sở đó ĐBQH sẽ rà soát, nhìn lại kết quả thực hiện các lời hứa đó để xem nội dung nào đã được giải quyết rốt ráo, nội dung nào chưa thì sẽ tục truy vấn đến cùng, nhằm buộc ĐBQH thực hiện trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, cử tri cả nước” – ông nhận định.

Thể hiện sự đồng tình khi những kỳ họp gần đây Quốc hội đã đổi mới quy trình, phương thức chất vấn, như hỏi trực tiếp và trả lời trực tiếp, rút ngắn thời gian hỏi của ĐBQH, phần trả lời của các thành viên Chính phủ phải ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề…, ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng điều đó đã tạo điều kiện cho các ĐBQH tiếp cận được nhiều hơn các vấn đề, bức xúc mà cử tri cả nước đang quan tâm. Cũng là dịp để các Bộ trưởng, tư lệnh ngành phải nắm chắc vấn đề thuộc lĩnh vực của mình đang trực tiếp tham mưu hoặc giải quyết để trả lời.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

“Đó là phương thức hay để đánh giá đúng được trình độ và khả năng quán xuyến, nắm bắt, điều hành của các Bộ trưởng, trưởng ngành”, đại biểu nói. Ông tin tưởng rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành sôi nổi, đầy trách nhiệm và đáp ứng được kỳ vọng của cử tri về các vấn đề kinh tế, xã hội bức xúc của đất nước.

Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ đánh giá cao việc chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, đồng thời có việc rà soát các nghị quyết chất vấn. “Tôi muốn nói rằng, chất vấn không có nhiệm kỳ. Tất cả những vấn đề mà cử tri quan tâm, cử tri mong muốn gửi đến các ĐBQH thì các đại biểu luôn luôn gửi gắm lại cho nhau, kể cả khi đã hết nhiệm kỳ”, bà thể hiện quan điểm.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) kỳ vọng hoạt động chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4 sẽ mang lại hiệu quả cao. “Đây là dịp để chính các Bộ trưởng, trưởng ngành nhìn nhận, đánh giá lại xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có biện pháp khắc phục”, ông nói. Theo ông, chất vấn không phải là “soi xét nhau” mà để tìm được tiếng nói đồng thuận, giải quyết vấn đề còn khó khăn, tồn tại, vướng mắc, đáp ứng mong mỏi của cử tri, người dân…

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 cho biết, xác định những nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành nên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi

Chính phủ và các bộ ngành đã thực hiện nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với 7 nội dung như cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa hành chính; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức…

Đáng chú ý, đã rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ tinh gọn. Cho nên, đã giảm 6 Tổng cục thuộc Bộ Công an; nhập 20 cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh vào cơ quan Công an cấp tỉnh; giảm 1 Tổng cục và 5 đơn vị đầu mối thuộc Bộ Công Thương; giảm 15 Vụ thuộc Bộ...

Trong 3 năm qua, biên chế công chức hành chính nhà nước từ TƯ đến cấp huyện giảm từ 1,7% - 2,9%; biên chế trong các đơn vị sự nghiệp của 62 địa phương đã giảm 3,16% so với năm 2015.

Cũng theo báo cáo, điều tra, xử lý tội phạm có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Chất lượng điều tra khám phá tội phạm được nâng lên; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự đạt 80,37% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra), án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 88,78%.

Công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh, là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây. “Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ”, báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm thường xuyên được Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Công an tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao…


Quỳnh Vinh
.
.
.