ĐBQH đề nghị giữ nguyên vốn tiêu chí dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ

Thứ Ba, 28/05/2019, 11:42

Sáng 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10), nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành.




Một số ý kiến khác cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng là quá cao.

Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm

Do đây là nội dung còn ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin ý kiến ĐBQH theo 2 phương án: Phương án 1, giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành; phương án 2, điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành. Trong đó, UBTVQH nhất trí theo phương án 1, giữ nguyên như Luật Đầu tư công hiện hành.

Thảo luận về nội dung này, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) bày tỏ thống nhất quan điểm của UBTVQH là giữ nguyên luật hiện hành, vì thực tế thời gian qua không có biến động, mức vốn 10.000 tỷ không bất cập. Quốc hội khóa XIII và XIV chỉ có hai dự án trình Quốc hội.

“Một quốc gia đang phát triển mà trong 10 năm chỉ có hai dự án quan trọng. Bây giờ điều chỉnh lên 20.000 tỷ có thể sẽ không có dự án nào trình Quốc hội”, ông nói. Theo đại biểu, Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là bất hợp lý.

Hơn nữa, trình Quốc hội sẽ có ngay vốn và bố trí đủ vốn. Lý giải khoảng vốn 10.000 tỷ hiện nay là bất cập so với trượt giá, tăng trưởng... để tăng lên 20.000 tỷ là thiếu thuyết phục. Vì lúc trước 10.000 tỷ mà qua 10 năm mới có 2 dự án quan trọng quốc gia.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên

“Sẽ là hợp lý nếu ta làm trước mức vốn để xác định tiêu chí dự án quan trọng quốc gia chỉ là 5 – 6 ngàn tỷ, mà mỗi một giai đoạn 5 năm có 2 – 3 dự án trình Quốc hội. Bây giờ trượt giá, tăng giá đưa lên 10.000 tỷ là phù hợp. Thực ra 10.000 tỷ cũng là cao so với quy mô đầu tư ngân sách Trung ương, không tính đầu tư cho địa phương... Vì vậy tôi đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành”, đại biểu phân tích.

Theo ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), qua giám sát của Uỷ ban Kinh tế, việc chậm triển khai giải ngân các dự án từ nhóm A chuyển lên dự án trọng điểm quốc gia do Quốc hội phê chuẩn là vướng ở chỗ thẩm quyền phê duyệt, chứ không phải ở mức bao nhiêu.

“Ví dụ như dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên từ dưới mức nhóm A lên dự án trọng điểm quốc gia thì quá trình chuyển lên ai chịu trách nhiệm phê duyệt? UBND TP. Hồ Chí Minh hay Chính phủ trình phê duyệt? Ở hai nhiệm kỳ Quốc hội chúng ta mới duyệt có 2 dự án, có vướng gì đâu”, đại biểu viện dẫn.

ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, là một người bấm nút thông qua Luật Đầu tư công – được coi là một thành tích thời điểm đó, mà bây giờ dư luận xã hội, truyền thông nói như kiểu Luật Đầu tư công là “tội đồ”, dẫn đến cản trở hoạt động đầu tư công, làm ách tắc các dự án khiến bà cảm thấy chạnh lòng. “Việc này cần phải xem xét thấu đáo”, bà nói.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) lưu ý, vấn đề cần mổ xẻ ở đây là đầu tư công thời gian vừa qua chậm do vướng quy định của pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu.

“Nếu do vướng về mặt pháp luật thì mổ xẻ để sửa luật, nhưng nếu do khâu tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ, nhất quán, thiếu sự tập trung thì phải điều chỉnh ở khâu này”, bà nói.


An Quỳnh
.
.
.