Không tăng trưởng bằng việc sử dụng kiệt sức người lao động

Thứ Tư, 23/10/2019, 12:15
Cũng giơ biển tranh luận về vấn đề tăng giờ làm thêm tại phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 23-10, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu: "Các Nghị quyết của Đảng đều nói rằng, mỗi bước tăng trưởng kinh tế đi liền với tiến bộ xã hội. Thế mà năm nay chúng ta lại xây dựng Bộ luật Lao động đẩy giờ làm thêm cao hơn Bộ luật Lao động năm 2012".


“Có đại biểu cho rằng nếu không tăng giờ làm thêm giờ sẽ ảnh hưởng sức cạnh tranh. Tôi cho hoàn toàn không phải như vậy, vì chúng ta đang vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường sẽ đào thải những yếu tố kém hiệu quả. Doanh nghiệp đầu tư không chỉ nghĩ đến việc tranh thủ công nhân giá rẻ, không đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, chủ doanh nghiệp và người lao động”, đại biểu nói.

Ông nhấn mạnh, không tăng trưởng bằng việc sử dụng kiệt sức người lao động. Đến bây giờ mà giờ lao động cơ bản vẫn giữ nguyên 48h, không thay đổi nhưng giờ làm thêm tối đa đẩy lên 100h là không phù hợp.

ĐBQH Bùi Văn Phương

“Đừng nên tiếp cận theo cách người lao động muốn làm thêm, chủ lao động muốn như thế mà họ tự nguyện, đó là nhân văn. Chúng ta phải tiếp cận theo cách, vì sao họ muốn làm thêm. Công nhân lao động quá khổ, những điều kiện thiết yếu nhất cho cuộc sống không đáp ứng được nên họ phải bán kiệt sức lao động của mình đi cho những vấn đề trước mắt, để nuôi con học hành...”, ĐBQH tỉnh Ninh Bình lý giải.

Ông lấy dẫn chứng nhiều vợ chồng đi lao động ở các khu công nghiệp sinh con xong chuyển về quê cho ông bà trông, 4-5 năm nay chưa quay về. Từ đó đề nghị phải tiếp cận, xây dựng Bộ luật Lao động hướng tới sự tiến bộ xã hội.

“Tăng trưởng kinh tế đi liền với tiến bộ xã hội chứ không phải tăng trưởng là chỉ tăng thời giờ lao động thêm. Phải sử dụng hiệu quả các yếu tố, trong đó có yếu tố khoa học công nghệ. Chúng ta không thể chiều theo doanh nghiệp”, đại biểu Phương nêu rõ quan điểm.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bày tỏ băn khoăn, phương án tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho một bộ phận không lớn của người lao động thì có đúng với mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mọi người dân đều có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành?

“Chúng ta đưa ra chính sách chưa có sự kết nối với người dân. Nhiều cử tri ý kiến, nguyên nhân phát sinh về tội phạm, nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em đau lòng thời gian qua chính từ sự thiếu quan tâm, chưa đủ điều kiện chăm lo đời sống con cái của người lao động, họ chưa có thời gian chăm lo cho gia đình...”, đại biểu chỉ ra một trong những hạn chế khi những người lao động phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Do đó, ông đề nghị Chính phủ quyết tâm không tăng trưởng kinh tế bằng việc tăng giờ làm thêm của người lao động.


Bảo Quân
.
.
.