Cưỡng chế bằng cắt điện, nước, nhiều chủ thể sẽ bị vạ lây

Thứ Năm, 22/10/2020, 16:36
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), thực tế thời gian qua áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không vướng mắc, khó khăn nhiều. Trong khi điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân, nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước sẽ có tác dụng tiêu cực, vạ lây đến các thực thể khác không liên quan đến vi phạm của chủ thể vi phạm.

Thảo luận về việc bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), ngày 22-10, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng rất cần thiết bởi thực tiễn trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã có hành vi vi phạm pháp luật, đã bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, lập biên bản vi phạm và đình chỉ thi công nhưng trong điều kiện pháp luật quy định về thực hiện đình chỉ hoạt động còn chung, người vi phạm cố tình chống đối.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung.

"Do đó lập biên bản thì cứ lập, làm thì cứ làm, khi lực lượng đến thì họ ngừng, khi lực lượng đi thì họ lại làm, thậm chí tạm giữ máy móc, thiết bị thi công thì họ lại mang cái khác đến. Chưa kể họ nghĩ "phạt cho tồn tại" nên cứ tiếp tục hoạt động đầu tư kinh doanh, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, đến khi xử lý mà áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, buộc trả lại hiện trạng ban đầu thì cũng đã gây thiệt hại cho xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự địa phương, đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường", đại biểu lý giải.

Bà cho rằng, chỉ có ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước thì mới buộc dừng ngay các hành vi vi phạm. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu trong tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giảm rất nhiều áp lực về nhân lực, tài lực trong việc tổ chức thi hành. Đồng thời, rất hiệu quả, kể cả những đối tượng cố tình chây ỳ, không hợp tác trong quá trình xử lý, thậm chí "không dừng mà còn tiếp diễn vi phạm, ban đêm, bên trong khuôn viên nhà máy, xí nghiệp, bên trong các nhà hàng, khách sạn với các lớp rào kiên cố, các cánh cửa bí mật mà không thể cử cán bộ, công chức đến để đứng trực canh hay xông vào bên trong được..."

Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều đại biểu không đồng tình với việc bổ sung biện pháp cắt điện, nước. ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, từ lần thảo luận ở Kỳ họp thứ 9 ông đã đề nghị bỏ biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước bởi quy định này không mấy hiệu lực, chủ công trình không sợ vì chỉ áp dụng có thời hạn chứ không phải là vĩnh viễn.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), thực tế thời gian qua áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không vướng mắc, khó khăn nhiều. Trong khi điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân, nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước sẽ có tác dụng tiêu cực, vạ lây đến các thực thể khác không liên quan đến vi phạm của chủ thể vi phạm. Ngoài ra, theo ông, cơ quan chức năng đủ thẩm quyền, có nhiều biện pháp khác để buộc chủ thể chấp nhận vi phạm.

"Không có một vụ vi phạm hành chính nào mà chính quyền các cấp từ xã, huyện đến tỉnh phát hiện kịp thời và ngăn chặn một cách quyết liệt theo Luật Xử lý VPHC mà không thành công. Chúng ta chỉ có thể bỏ qua, thờ ơ, rồi làm không đến nơi đến chốn thì nó mới tồn tại, còn chúng ta đã quyết tâm, quyết liệt thì không có một doanh nghiệp, cá nhân nào có thể chống lại các quyết định của cơ quan nhà nước", ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu quan điểm.

Ông cho rằng, khi cắt điện, cắt nước thì sẽ gây ra hệ quả ảnh hưởng đến một loạt người liên quan. Chẳng hạn, một nhà dân xây dựng ở địa bàn phải có giấy phép hoặc là họ thi công không đúng, nếu cắt điện, nước tòa nhà đó thì bà già lấy nước đâu để uống, trẻ con lấy nước đâu để tắm? "Trong khi đó chúng ta có thể khấu trừ, đình chỉ và thậm chí tháo dỡ công trình, họ phải chấp hành theo luật. Chúng ta cắt như thế thì không còn tính nhân đạo", đại biểu nói và đề nghị không nên tạo điều kiện thuận lợi quá cho cơ quan hành pháp khi chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình.

An Quỳnh
.
.
.