Củng cố nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

Thứ Sáu, 18/01/2019, 09:06
Đây là chủ đề của phiên Tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức chiều 17-1, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019- diễn đàn kinh tế thường niên được tổ chức lần thứ ba, thu hút gần 2.000 lượt đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà kinh tế, học giả, doanh nghiệp và đại diện các Đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế tham dự. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao.

Kinh tế Việt Nam có một năm thành công và đáng ghi nhận. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, và vượt qua mọi con số dự báo trước đó. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới, trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỷ USD, tăng 13,7% và vượt xa mức kỷ lục 214 tỷ USD của năm 2017.

Nhờ đó xuất siêu cũng xác lập kỷ lục mới với 6,89 tỷ USD, tăng 147% so với năm trước. Trong năm 2018, Việt Nam thu hút được gần 35,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ giải ngân tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% với kỷ lục mới về số vốn giải ngân, đạt 19,1 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (trái), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN.

“Tuy nhiên khi đang đứng ở trên thành công chính là lúc chúng ta cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới. Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế. Một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước, trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách”, đồng chí Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TƯ đặt vấn đề.

Tại Diễn đàn, nhiều diễn giả đến từ trong và ngoài nước đều tập trung thảo luận vào việc cải cách thể chế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua, Việt Nam có tiến bộ phát triển nhờ cải cách thể chế, chính sách pháp luật phát triển. Vậy, ưu tiên nào đối với việc xây dựng thể chế sắp tới?

Theo Thủ tướng, thứ nhất xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, có thể chế phục vụ cho dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh; phát triển bao trùm, không có ai ở lại phía sau. Thứ hai, xây dựng nhà nước pháp quyền, đặc biệt nâng cao hiệu quả quản trị của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, phục vụ nhân dân. Thứ ba, tiếp tục xây dựng đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, giải phóng sức sản xuất để mọi người dân, doanh nghiệp phát triển thuận lợi, bền vững.

Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tổ chức diễn đàn kinh tế. “Tôi được báo cáo về 3 hội thảo chuyên đề, cuốn hút tôi ngay từ đầu là cụm từ “Củng cố tăng trưởng nhanh và bền vững”. Đây là cụm từ quan trọng, lựa chọn chiến lược, xuyên suốt nhất quán của Việt Nam ngay từ năm 2016. Chính phủ xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách bao gồm kinh tế, xã hội, môi trường. Trong bối cảnh ngày nay, đà tăng trưởng kinh tế không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Tăng trưởng giải quyết các nút thắt, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại”, Thủ tướng nói.

Điểm lại những thành tựu kinh tế trong năm 2018, Thủ tướng yêu cầu năm 2019 cần đánh giá lại toàn bộ việc điều hành tập trung 3 mục tiêu. Thứ nhất, chỉ ra được giá trị kế thừa, bài học lớn để chấn chỉnh nghiêm túc. Thứ 2 là xây dựng Chính phủ số, liêm chính và thứ 3 là đánh giá lại tiềm năng các ngành kinh tế, để xác định lại mục tiêu, trong đó kinh tế số là ưu tiên động lực.

Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm là quyết tâm giữ vững ổn định trật tự xã hội, kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu xung lực, cú sốc từ bên ngoài-đây là lợi thế so sánh với các nước. Thứ 2 là cam kết thúc đẩy cơ cấu, năng lực quản trị, thúc đẩy kinh tế tư nhân, gắn kết giữa FDI và nội địa… khơi thông các điểm nghẽn. Ba là, tiếp tục tăng tốc tạo bứt phá chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Thứ 4 là thúc đẩy lan toả tinh thần khởi nghiệp rộng khắp; 2019 ưu tiên đầu tư vào năng lực, cơ sở hạ tầng thông minh; đặt chương trình nghị sự ưu tiên năm tới cho cải cách giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học tập trung khoa học công nghệ, toán học phù hợp với xu thế cách mạng 4.0. Thứ 5 là đầu tư khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật số, hạ tầng thông minh. Và thứ 6 là giải pháp phát triển toàn diện môi trường với tăng trưởng, thích ứng biến đổi khí hậu…

PV
.
.
.