Cử tri đặc biệt quan tâm tình trạng xây dựng trái phép
- Hà Nội sẽ xử lý phần xây dựng sai phép nhà của ca sỹ Mỹ Linh
- Tháo dỡ công trình xây dựng sai phép thách thức dư luận
- Hệ lụy từ các chung cư xây dựng sai phép
Sau vụ việc xây dựng sai phép, không phép, nhiều công trình cả dân dụng lẫn công nghiệp của gia đình bị dư luận phát hiện khiến ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức phải xin từ chức và xin nghỉ việc, gần đây, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều vụ việc xây dựng sai phép, không phép với diện tích lớn tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn… bị phát hiện, xử lý, được người dân đặc biệt quan tâm.
Xây dựng không phép đang tiếp tục là vấn đề “nóng”, vấn đề nhức nhối đối với dư luận và người dân TP Hồ Chí Minh, được cử tri nhiều lần phản ánh với đại biểu HĐND thành phố với kỳ vọng vấn đề này sẽ tiếp tục được nêu ra trong các phiên chất vấn liên quan cũng như chính thức được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp HĐND thành phố lần này (khai mạc vào sáng 7-12) để tìm giải pháp ngăn chặn triệt để.
Theo một lãnh đạo thành phố, từ cuối tháng 7-2019, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.
Những dãy nhà do đầu nậu xây dựng trái phép ở quận Thủ Đức bị địa phương phát hiện, tháo dỡ. |
Trước tình trạng này, ngày 2-12 vừa qua, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã quyết định thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh trong giai đoạn 2016-2019.
Trước đó, từ thông tin phản ánh liên quan đến vi phạm về đất đai, xây dựng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã vào cuộc kiểm tra và yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy, tập thể lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với nhiều tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm.
Cụ thể đã có 7 tổ chức đảng và 23 đảng viên vi phạm bị kỷ luật. vụ việc khiến cử tri ở địa phương này thắc mắc, người dân xây, sửa nhà sai phép, không phép lập tức bị ngăn chặn. Còn các công trình “khủng” xây dựng không phép, sai phép lại để xảy ra tình trạng đã rồi, nếu không bị phát hiện sẽ nghiễm nhiên được tồn tại. Xử lý kỷ luật cán bộ có trách nhiệm là chưa đủ, mà phải làm rõ có hay không việc cán bộ liên quan bao che, bảo kê cho những công trình này.
Tại địa bàn “nóng” về xây dựng sai phép không phép khác là quận Thủ Đức, chỉ trong vài ngày đầu tháng 12 này, UBND phường Linh Trung đã tiến hành tháo dỡ 20 căn nhà được xây dựng không phép. Nhưng chưa dừng lại ở con số trên, trong những ngày tới phường Linh Trung sẽ còn tháo dỡ thêm 16 căn nhà được xây cất không phép.
Tình trạng này khiến người dân bức xúc cho rằng nếu không có sự “tiếp tay” của cán bộ quản lý trật tự đô thị và Thanh tra xây dựng phụ trách địa bàn, sẽ không ai… dại gì bỏ tiền số tiền lớn ra để ngang nhiên xây cất cả dãy nhà để rồi bị đập bỏ như vậy.
Thậm chí, một số cử tri của địa phương này còn cho rằng, nếu không có vụ việc Bí thư Thành ủy đích thân xuống xử lý việc xây cất trái phép của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức, dễ gì hàng chục căn nhà xây không phép này bị… sờ gáy.
Từ vụ việc cán bộ HĐND quận phải xin từ chức, thôi việc do liên quan đến xây dựng trái phép, nhiều cử tri đề nghị HĐND thành phố đưa vấn đề này ra thảo luận để tìm giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng xây dựng trái phép.
Trong đó cần phải tiếp tục đặt ra các chế tài với cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn; dứt khoát không để tình trạng xây xong mới đập bỏ gây tốn công sức, tiền bạc của người dân và chính quyền địa phương, nhất là khi người chịu thiệt hại là những người bỏ tiền mua nhà được xây dựng trái phép để ở. Nhiều cử tri cho rằng, nếu xây dựng trái phép chưa chấm dứt, việc “mất” cán bộ ở cơ sở do “dính” tới xây dựng trái phép sẽ còn diễn ra.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin được đưa ra tại hội thảo do Ban Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây cho thấy, những năm gần đây, đã có 300 cán bộ phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị ở cơ sở tại thành phố bị xử lý kỷ luật. Vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra ở nhiều địa phương, cả về số lượng, lẫn mức độ sai phạm.
Để tiếp tục “siết” công tác quản lý trật tự xây dựng, đầu tháng 12 này, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định mới thay thế quyết định năm 2013 về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo quyết định này, sẽ có 20 cơ quan, đơn vị và cá nhân phải chịu trách nhiệm liên quan đến vi phạm về trật tự xây dựng.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại về vật chất sẽ phải bồi thường.
Tại quyết định này, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã giao thẩm quyền cụ thể và nhiều hơn cho lực lượng Công an các cấp. Theo đó, Công an các cấp không chỉ xây dựng phương án đảm bảo ANTT, an toàn cho lực lượng tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm, mà còn được giao tổ chức điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng.
Lực lượng Công an cũng được giao nhiệm vụ triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện các vụ việc có dấu hiệu hình sự để điều tra, xác minh, khởi tố khi đủ căn cứ.
Công an cấp huyện, cấp xã sẽ phối hợp với đội thanh tra địa bàn và các cơ quan, đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý ngay công trình vi phạm, không để tái diễn.
Công an cũng sẽ tiến hành rà soát các tổ chức, cá nhân đã bị xử lý vi phạm hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng không phép, sai phép để làm cơ sở xử lý tăng nặng nếu tiếp tục tái phạm.
Đồng thời, lực lượng Công an cũng tập trung vào các vụ việc có dấu hiệu đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng; nhất là các vụ việc liên quan đến các đối tượng đầu nậu, các đối tượng móc nối với cán bộ, công chức để được bảo kê, làm ngơ cho vi phạm về xây dựng…
Người dân thành phố kỳ vọng, sau một loạt các quy định, chỉ đạo quyết liệt, xây dựng trái phép trên địa bàn tiếp tục là vấn “nóng”, được đưa ra trước kỳ họp HĐND để tiếp tục thảo luận, tìm ra những giải pháp, đặc biệt là chế tài đủ sức răn đe hơn.