Còn 3 Bộ cắt khúc thì chưa quản lý được an toàn thực phẩm

Thứ Hai, 05/06/2017, 11:53
Cho rằng mô hình 3 bộ quản lý đã không phát huy hiệu quả, khiến quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) bị cắt khúc; việc ban hành nhiều văn bản chính sách cũng chưa đem lại hiệu quả, các đại biểu quốc hội muốn chỉ rõ trách nhiệm là ở đâu để giải quyết được tận gốc vấn đề ATPP.

Ngày 5-6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về báo cáo giám sát của Quốc hội về công tác ATTP 5 năm qua (2011 – 2016). Như CAND đã thông tin, báo cáo của đoàn giám sát đã chỉ ra thực trạng không mấy khả quan.

Từ năm 2011-2016 cả nước đã kiểm tra tại hơn 3,3 triệu cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện gần 680 nghìn cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%. “Đây là một tỷ lệ vi phạm rất cao, song cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về ATTP trong thực tế” – báo cáo của Đoàn giám sát nhận định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - trưởng đoàn giám sát, điều hành buổi thảo luận ngày 5-6

Trong số 680 nghìn cơ sở vi phạm, mới chỉ có hơn 136 nghìn cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền trung bình 200 nghìn đồng/vụ, dù theo quy định mới, mức phạt đã được đẩy lên tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức vi phạm.

Đáng chú ý, theo Đoàn giám sát, tại các siêu thị, việc kiểm soát ATTP chủ yếu thực hiện thông qua hồ sơ, kiểm nghiệm mẫu thực tế còn rất hạn chế; lượng thực phẩm tươi sống bày bán còn ít.

Lượng hàng hóa thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam vi phạm các quy định về ATTP còn cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu phải kiểm tra ATTP cao hơn nhiều nước. Với thị trường Nhật Bản, lượng hàng thực phẩm của Việt Nam phải kiểm tra lên tới 25%, trong khi các mặt hàng nhập từ châu Âu, tỷ lệ kiểm tra chỉ là 7%. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng thì số hàng hóa thủy sản, chè, hạt tiêu xuất khẩu bị trả về là khá lớn.

Trung bình thời gian qua, mỗi năm Việt Nam có 167,8 vụ vi phạm ATTP với 5.065 người mắc và 27,3 người chết. Ước lượng tỷ lệ mới mắc tiêu chảy cấp do thực phẩm trong 1 năm là 25,87% dân số. Tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa vẫn ghi nhận diễn biến phức tạp. Bệnh ung thư khiến mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội Ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.

Báo cáo này và thực trạng được chứng kiến qua bữa ăn hàng ngày, các ĐB bày tỏ sự sốt ruột về kết quả thực hiện.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân báo về thực phẩm mất an toàn

ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng thực phẩm không an toàn không phải vấn đề mới phát sinh. Năm 2009, Quốc hội khóa 12 đã giám sát tối cao về việc này, nhưng đến nay chuyển biến nhưng rất chậm. ATTP vẫn đang là vấn đề gây bức xúc, lo lắng, đa số người dân không yên tâm với thực phẩm đi mua. Theo kết quả khảo sát của Văn phòng Quốc hội, chỉ có 10% người dân rất yên tâm, 59% chưa yên tâm lắm và 27% hoàn toàn không yên tâm về thực phẩm họ sử dụng hàng ngày. Đa số người dân đang phải phó mặc sức khỏe, tính mạng cho số phận.

ĐB cho rằng: Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất thực phẩm.

Hạn chế lớn mà ĐB đề cập đến là hiện tượng cắt khúc, phân đoạn trong quản lý nhà nước, tạo nhiều khoảng trống cho thực phẩm bẩn “len” vào chuỗi cung ứng. Do đó, cần một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng, chịu trách nhiệm trong vấn đề này.

ĐB cũng đề nghị cần có sự giám sát thường xuyên, ít nhất hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội, UBND tỉnh phải báo cáo HĐND về tình hình này.

Minh chứng việc cách buổi thảo luận vài hôm đã có 1 đoàn khách nước ngoài bị ngộ độc ở Đà Lạt, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) cho rằng rõ ràng nguy cơ từ thực phẩm mất an toàn là không hề nhỏ. “Trách nhiệm là của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nhưng không nói rõ trách nhiệm đến đâu; cũng chưa chỉ rõ địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa làm tốt. Bếu chưa chỉ rõ địa chỉ sẽ khó cải thiện tình trạng này trong tương lai”.

Nhấn mạnh việc cơ quan quản lý có đông đến bao nhiêu cũng không đủ để phát hiện các vi phạm, ĐB cho rằng giám sát ATTP phải gắn với người dân, vì đó là quyền lợi sát sườn của mỗi người. Tuy nhiên, để phát huy thì cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân phản ánh thông tin, bởi hiện người dân có phát hiện cũng không biết báo ở đâu, hoặc biết thì thủ tục rất rườm rà.

Các bộ, ngành, địa phương cần có đường dây nóng, tiếp nhận kịp thời phản ánh của người dân về vấn đề này.


Vũ Hân
.
.
.