Cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc kỹ về quy định thẩm quyền nổ súng
- Quốc hội thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
- Sắp có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
- Quốc hội băn khoăn về "điểm cân bằng" trong thẩm quyền nổ súng
Giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết các ý kiến hợp lý của đại biểu sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo cho phù hợp với các quy định khác của pháp luật có liên quan, tạo ra sự phù hợp cho hệ thống luật pháp.
Ý kiến giải trình của Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ: Trên cơ sở kế thừa pháp lệnh hiện hành thì phạm vi điều chỉnh chỉ của dự án luật quy định về vũ khí, vật liệu nổ, vũ khí hạng nhẹ các loại bom, mìn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hóa cụ... là phù hợp với tội danh được quy định tại điều 324 Bộ Luật Hình sự về hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Đồng thời, thực hiện pháp lệnh, các lực lượng chức năng đã tiếp nhận, thu gom, tiêu hủy một số lượng lớn vũ khí hạng nhẹ, các loại bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Một thực tế nữa là qua đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và những hoạt động vi phạm pháp luật khác cho thấy việc cần thiết phải quy định các loại vũ khí này trong dự thảo luật để đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình về dự án luật này tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 9/2016) |
Đối với các loại vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, các phương tiện đặc biệt có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội: Thực tế trong nhiều năm qua, có nhiều vụ án đối tượng tự sản xuất vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ để gây án.
Vì vậy, cần phải quy định chặt chẽ trong dự án luật, hạn chế đối tượng lạm dụng, sử dụng vật liệu nổ, đặc biệt liên quan đến các tội về khủng bố mà hiện thế giới rất quan tâm. Việc quản lý cũng sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn triệt để loại tội phạm này.
Các loại vũ khí hạng nặng, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học không quy định trong dự thảo vì vũ khí hạng nặng được sử dụng vào mục đích quốc phòng, bảo vệ tổ quốc, nên cần thiết được quy định trong các quy định của pháp luật về quốc phòng; các loại vũ khí sinh học, hóa học, hiện Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế về lĩnh vực này (như các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân; công ước cấm tàng trữ, sản xuất vũ khí sinh học, vũ khí hóa học...) nên không đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật.
Tương tự, pháo nổ, pháo hoa, do tính chất đặc thù đã được quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo, nên cũng không cần thiết phải bổ sung vào dự thảo.
Đối với người nước ngoài mang vũ khí vào Việt Nam để bảo vệ nguyên thủ quốc gia và tập luyện, thi đấu thể thao, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết không cần phải bổ sung quy định trong phạm vi điều chỉnh vì dự thảo đã quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, tức là đã bao hàm ở phạm vi lớn hơn.
Giải trình ý kiến các đại biểu về giải thích từ ngữ, bổ sung các khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo hướng giải thích về quy chuẩn, tính năng, tác dụng, cách nhận biết và mục đích sử dụng và ban hành danh mục cụ thể trong luật hoặc giao Chính phủ quy định, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Ban soạn thảo thấy ý kiến trên là hợp lý, dự kiến sẽ rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung các khái niệm, đảm bảo chính xác, chặt chẽ, dễ hiểu, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật và sẽ bổ sung quy định trong luật theo hướng để Chính phủ quy định cụ thể danh mục này.
Về Điều 15, quy định về Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí - vấn đề lớn, quan trọng. liên quan đến Hiến pháp và các Nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh quốc phòng, an ninh, nên dự thảo đề xuất 2 phương án. Tuy nhiên, qua phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng, an ninh và ý kiến đại biểu - đa số lựa chọn phương án 1, giao các DN thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được tham gia lĩnh vực này, nên ban soạn thảo cũng nhất trí lựa chọn phương án 1.
Về đối tượng được trang bị: Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng an ninh, ban soạn thảo đã bổ sung đối tượng trang bị vũ khí quân dụng cho cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và lực lượng cảnh sát biển. Tuy nhiên, qua các ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận này, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung cho phù hợp.
Về thẩm quyền nổ súng, quy định tại điều 21, nội dung được cho là đặc biệt quan trọng, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nên ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh nhằm đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ và phù hợp với các quy định khác của pháp luật, nhất là Bộ Luật Hình sự, và đảm bảo quyền con người.
Về nghiên cứu chế tạo sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp: Dự thảo đang quy định việc tổ chức sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là các DN được Thủ tướng giao nhiệm vụ, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc, phòng vì theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không giới hạn nhà đầu tư mà chỉ yêu cầu các nhà đầu tư phải đáp ứng các quy định của Chính phủ đặt ra.
Tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng, an ninh, cùng với ý kiến các đại biểu, thì do vật liệu nổ công nghiệp là mặt hàng đặc biệt quan trọng, có liên quan trực tiếp đến an ninh trật tự, tính mạng, sức khỏe của con người, cần quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa việc thất thoát, nên ban soạn thảo dự kiến tiếp thu hiệu chỉnh theo hướng phải quy định chặt hơn các đối tượng này.
Về đề nghị bổ sung thêm đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ và quy định cụ thể hơn về công tác quản lý, sử dụng, thu hồi công cụ này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Ban soạn thảo nhận thấy công cụ hỗ trợ là phương tiện đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ, nên kế thừa pháp lệnh hiện hành và để tuân thủ Hiến pháp 2013, dự thảo đã quy định cụ thể các trường hợp được sử dụng công cụ hỗ trợ.
Tại phiên làm việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, người chủ trì thảo luận cũng nhận định: Đa số các đại biểu đã tán thành với sự cần thiết ban hành luật, thống nhất với các vấn đề được nêu trong tờ trình và báo cáo thẩm tra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo trình Quốc hội. Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận thoả đáng, xem xét thông qua dự luật tại kỳ họp thứ 3 sẽ diễn ra vào nửa đầu năm sau.