Chúng ta miễn, giảm thuế quá tràn lan?!

Thứ Hai, 12/06/2017, 14:01
“Qua giám sát thực tế, qua hoạt động thẩm tra cũng như qua so sánh với văn bản pháp luật của nhiều nước trên thế giới, chúng tôi thấy các quy định liên quan đến chính sách thu, trong đó có các quy định về miễn, giảm thuế đã có bất cập” – ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu quan điểm khi phát biểu về quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015.


Theo ĐB, việc miễn, giảm đã được ban hành với tốc độ khá nhanh, phạm vi khá rộng và đối tượng miễn, giảm thì ngày một tăng. Hiện nay, theo thống kê của tổ chức Oxfam, thì trên toàn quốc chúng ta có khoảng 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư, 27 lĩnh vực thuộc diện đặc biệt khuyến khích đầu tư; Có 53/64 tỉnh thành phố có huyện, xã thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư, trong đó có áp dụng quy định về miễn giảm thuế. Ngoài ra, chúng ta có 300 khu kinh tế, khu công nghiệp đang áp dụng chính sách miễn giảm thuế.

Một điều nữa khiến ĐB băn khoăn là chỉ trong 2 kỳ họp thứ 3 và thứ 4, Quốc hội đã xem xét thông qua và chuẩn bị thông qua nhiều đạo luật có quy định chính sách miễn, giảm thuế, như dự án Luật chuyển giao công nghệ, Luật đường sắt (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết về xử lý nợ xấu, Luật thủy lợi, Luật du lịch, Luật thủy sản, Luật bảo vệ rừng... tất cả đều chứa đựng quy định miễn, giảm thuế và cơ chế tài chính đặc thù.

“Hiện nay có tình trạng khá phổ biến là lồng ghép các chính sách xã hội và chính sách thuế. Đôi khi chúng ta sử dụng công cụ thuế như một công cụ hữu hiệu để giải quyết những vấn đề mang tính xã hội. Điều này làm mất đi tính trung lập của thuế, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế” – ĐB Mai cho biết.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai

“Việc miễn giảm thuế trên diện rộng trong thời gian dài sẽ tác động phần nào đến thu ngân sách nhà nước. Theo ước tính của Chính phủ hiện nay cứ giảm 1% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đồng nghĩa với việc chúng ta giảm thu từ ngân sách nhà nước 6.000 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2013 khi chúng ta thực hiện miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm thu 2.080 tỷ, năm 2014 giảm thu 2.500 tỷ. Đó là chưa kể từ năm 2008 đến nay chúng ta đã áp dụng liên tục 6 nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế và cũng tác động phần nào đến thu ngân sách”.

“Nếu như trong năm 2011 tỷ lệ huy động (từ thuế) vào ngân sách đạt 26% , đến năm 2015 tỷ lệ chỉ còn 23,8%. Nếu so sánh giai đoạn 2006 đến 2010 tỷ lệ động viên từ thuế phí đạt 24,9% đến 2011 - 2015 chỉ còn 20,9% và không đạt được mục tiêu đề ra là từ 22-23%. Nếu so sánh với các nước trong khu vực như là Thái Lan, Lào, Malaysia, tỷ lệ của chúng ta thấp hơn rất nhiều (Lào là 23,4% và Malaysia là 24,5%)”.

“Qua giám sát thực tế tại nhiều địa phương cũng rất trăn trở, chính sách miễn, giảm thuế cũng tác động phần nào đến thu ngân sách tại địa phương”.

ĐB cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sẽ không bảo đảm tính thống nhất với những chính sách mà chúng ta vừa ban hành. Cụ thể tại Nghị quyết 15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm cũng đã nêu rõ nhiệm vụ thu hẹp diện miễn, giảm thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các luật về thuế, rà soát chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách. Như vậy, rõ ràng giữa việc ban hành chính sách với tổ chức thực hiện có khoảng cách nhất định.

Việc miễn, giảm thuế trong một số trường hợp cũng tạo tâm lý chưa thực sự bình đẳng giữa người được miễn, giảm và đối tượng không được miễn, giảm; trong nhiều trường hợp cũng gây tâm lý cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng.

Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng vấn đề thuế không phải là vấn đề mấu chốt, mà cái họ kỳ vọng từ phía Chính phủ đó là chính sách xúc tiến thương mại, mặt bằng sản xuất, là khoa học công nghệ, hỗ trợ về vốn, tín dụng... Xuất phát từ thực trạng này, chúng tôi đề nghị đối với Chính phủ khi soạn thảo những văn bản pháp luật để trình Quốc hội xem xét thông quan thì cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, trong trường hợp liên quan đến miễn, giảm thuế cũng cần có sự đồng thuận từ phía Bộ Tài chính.

ĐB kiến nghị “Nên hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong chính sách thuế. Trong trường hợp cần thiết phải giải quyết vấn đề mang tính xã hội thì nên áp dụng chính sách chi ngân sách trực tiếp thay vì miễn giảm thuế”.  

“Tôi vẫn luôn khẳng định việc miễn giảm thuế trong nhiều trường hợp là thực sự cần thiết và có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc chúng ta cần phải rà soát một cách tổng thể để làm sao chính sách miễn giảm phát huy hiệu quả đích thực. Bên cạnh nhiệm vụ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiệm vụ của chính sách miễn giảm thuế và nhiệm vụ của thuế vẫn phải là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo sự ổn định cho ngân sách nhà nước, đảm bảo tính minh bạch công bằng và phù hợp với thông lệ quốc tế” - ĐB nhấn mạnh.  


Vũ Hân
.
.
.