Bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân: Chủ trương hết sức cần thiết và sẽ có lộ trình thực hiện

Thứ Ba, 07/11/2017, 08:13
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112 về việc phê duyệt đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý công dân thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an. Đáng chú ý, việc bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân (CMND) được rất nhiều người hoan nghênh; song đây đó vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về sự thay đổi có tính bước ngoặt này. 


Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát về vấn đề này.

PV: Thưa Thượng tá Trần Hồng Phú, ngày 30-10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112 và có hiệu lực ngay từ ngày ký, đồng thời có thông tin sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMND từ nay sẽ không còn có giá trị. Xin Thượng tá có ý kiến cụ thể hơn về vấn đề này.

Thượng tá Trần Hồng Phú: Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư đang là một chủ trương hết sức quan trọng và cần thiết. Chính vì vậy, ngày 8-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 896 về việc phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

Vừa qua Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến chức năng quản lý của các bộ, ngành. Trong đó, có Nghị quyết 112 ngày 30-10-2017 về việc phê duyệt đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.

Theo quy định tại điều 2 của Nghị quyết 112, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an căn cứ vào phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính để chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất, sửa đổi bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan cho phù hợp với thời điểm vận hành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, thông tin về việc bỏ sổ hộ khẩu và CMND kể từ ngày 30-10-2017 là không chính xác mà sẽ có lộ trình thực hiện trong thời gian tới.

Hiện tại, sổ hộ khẩu và CMND vẫn còn nguyên giá trị theo quy định của Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân và việc xóa bỏ các loại giấy tờ này đang được Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện theo lộ trình.

Thượng tá Trần Hồng Phú.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, các giấy tờ liên quan đến quản lý công dân phụ thuộc vào tiến độ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chỉ sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì mới có cơ sở để các bộ, ngành xây dựng phương án và đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, các giấy tờ liên quan đến quản lý công dân cho phù hợp và đảm bảo tính khả thi.

PV: Vậy lộ trình triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như thế nào để thay thế được hộ khẩu?

Thượng tá Trần Hồng Phú: Xác định vị trí, tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác quản lý Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án 896, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 13-3-2017 về việc phối hợp tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương phối hợp với Bộ Công an trong việc tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo kế hoạch, nếu đảm bảo đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh phí và nguồn nhân lực thì dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dự kiến sẽ hoàn thành trong 2 năm. Như vậy, từ cuối năm 2017, Bộ Công an bắt đầu tổ chức triển khai dự án và dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc và chính thức đưa vào khai thác sử dụng. Tức là từ ngày 1-1-2020 thì có thể đưa dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân và Đề án 896.

Trên cơ sở đó, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan sẽ nghiên cứu, rà soát và đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính và các giấy tờ liên quan đến công dân theo Nghị quyết 112 của Chính phủ.

PV: Sau khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan Nhà nước, người dân sẽ được lợi ích gì và mã số định danh cá nhân có ưu điểm  nào hơn so với sổ hộ khẩu lâu nay.

Thượng tá Trần Hồng Phú: Bộ Công an sẽ tổ chức thu thập, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin cơ bản của toàn bộ công dân Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tiến hành cấp cho mỗi công dân một số định danh cá nhân duy nhất. Đây chính là chìa khóa để tiến hành kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan nhà nước và người dân, đáng chú ý là:

Thứ nhất, thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để dùng chung nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ hai, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Thứ ba, thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ tư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời cũng góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang lưu trữ tại các cơ quan hành chính.

PV: Hiện nay, sổ hộ khẩu liên quan đến rất nhiều thủ tục hành chính quan trọng như khai sinh, nhập học, đăng ký kết hôn, sở hữu nhà đất, mua bán đất đai, thi tuyển dụng công chức… Vậy sau khi bỏ sổ hộ khẩu thì thủ tục hành chính có được đơn giản hóa hay không?.

Thượng tá Trần Hồng Phú: Theo quy định của Luật Cư trú thì khi công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, có quyền được yêu cầu cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú và cấp sổ hộ khẩu cho họ. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Như vậy, việc đăng ký thường trú và cấp sổ hộ khẩu vừa đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân vừa tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp khác. Với phương thức quản lý thủ công như hiện nay thì việc các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào sổ hộ khẩu để xác định nơi cư trú của công dân, xác thực thông tin nhân thân và xác định mối quan hệ gia đình để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến công dân là hoàn toàn phù hợp.

Sau khi xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (từ 2020), khi giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, thông qua các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và mã số định danh cá nhân, các cơ quan nhà nước sẽ kết nối, khai thác thông tin về công dân, hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không cần công dân phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân. Việc giải quyết thủ tục hành chính sẽ đơn giản và thuận tiện hơn cho công dân và chính các cơ quan quản lý nhà nước.

PV: Với những người dân đang chuẩn bị làm hộ khẩu, sổ tạm trú, băn khoăn không biết có tiếp tục làm hay tiếp tục chờ đợi mã định danh cá nhân?

Thượng tá Trần Hồng Phú: Người dân vẫn tiếp tục được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú và được cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bình thường như quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành như hiện nay. Các giấy tờ này vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và công dân cũng chưa phải làm thủ tục gì để thay đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho đến khi có lộ trình thực hiện cụ thể.

Xin cảm ơn Thượng tá!

Mã số định danh cá nhân gồm 12 chữ số, được cấp cho công dân Việt Nam từ khi chào đời (giấy khai sinh) đến khi qua đời (giấy khai tử). Đây là con số sẽ theo công dân trong suốt cuộc đời. Khi công dân đủ tuổi làm CMND thì số định danh cá nhân lúc này sẽ trở thành số CMND nhưng được gắn thêm các dữ liệu sinh trắc học như: Dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng khuôn mặt. Chỉ cần có mã số định danh cá nhân, sẽ có đầy đủ thông tin về nhân thân của công dân và mã số định danh cá nhân sẽ thay thế sổ hộ khẩu, CMND trong công tác quản lý dân cư.
Minh Hiền
.
.
.