Chủ tịch nước Trần Đại Quang và buổi gặp gỡ riêng cuối cùng với nhóm phóng viên chuyên trách

Thứ Hai, 24/09/2018, 20:04
Tôi nhớ hôm ấy là ngày 26-12-2017. Trong gần ba tiếng đồng hồ, bắt đầu từ hai giờ chiều, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi trò chuyện thân tình và đặc biệt cởi mở với nhóm phóng viên chúng tôi - những người thường có dịp được tháp tùng ông trong các chuyến công tác nước ngoài kể từ khi ông giữ cương vị mới.



Anh Vũ Quang Tuấn, Trợ lý Chủ tịch nước, một người biên tập tinh tế, một đồng nghiệp rất gần gũi với chúng tôi cùng dự buổi gặp mặt. Tôi tin chắc đây là cuộc gặp, trò chuyện riêng cuối cùng của ông với nhóm phóng viên chuyên trách (gồm 4 người, đại diện cho các cơ quan: Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Nhân dân) và 3 phóng viên đại diện cho một số cơ quan báo chí chủ chốt khác cùng được mời hôm ấy: Báo Công an nhân dân; Báo Quân đội nhân dân; Báo Hà Nội mới. Phải chăng vì thế mà những câu chuyện ông chia sẻ cũng gửi gắm nhiều tâm sự.

Sau hơn bốn tháng kể từ lần đầu tiên đi chữa bệnh tại Nhật Bản trở về, khác với hình ảnh xuất hiện ban đầu trên truyền hình - một hình ảnh quá khác lạ (có thể nói là gây "sốc" với đông đảo khán giả); dung mạo của ông hôm ấy đã hồi phục một cách hết sức thần kỳ, gần như ông đã lấy lại được tới 90% phong độ so với trước khi lâm trọng bệnh. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân thăm Trường Tiểu học mang tên người Anh hùng Việt Nam Nguyễn Văn Trỗi ở Thủ đô La Habana, Cuba (chiều 16-11-2016). Ảnh: Phạm Khải

Vẫn vóc dáng cao ráo, gương mặt nở nang, đẹp một cách đường bệ; ông mặc áo sơ mi dài tay màu xanh trứng sáo, tác phong lanh lẹn, rất "thanh niên" bước tới bắt tay từng người. 

Trí tuệ ông vẫn mẫn tiệp, vẫn không quên tên ai. Khi bắt tay phóng viên Mai Thành Tâm (Báo Hà Nội mới), ông buông một câu "Chiến sĩ mới à?". Quả là, với Mai Thành Tâm, đây là lần đầu tiên "chú em" tham gia cuộc gặp gỡ riêng với Chủ tịch nước.

Mở đầu câu chuyện, Chủ tịch nước cho biết lý do ông mời các nhà báo đến đơn giản chỉ là "Nhân năm cũ kết thúc, muốn gặp chúc Tết anh em. Tinh thần là vui vẻ, nói chuyện vui". Ông nói, trước đó, trong các chuyến công tác, "Biết là anh em báo chí rất vất vả, song vì bối cảnh, Chủ tịch cũng chỉ có thể gật đầu chào. Ít có cuộc gặp riêng như thế này".

Trong suốt buổi trò chuyện, Chủ tịch nước thân mật xưng "mình" và thân tình gọi cánh phóng viên chúng tôi là "các chiến hữu". Ông nói, ra chốn đông người thì có thể khác, ở đây gọi vậy cho gần gũi, tình cảm. Ông cũng cho biết, trong lần hội kiến lãnh tụ Cuba Fidel Castro hồi năm trước, thoạt đầu, trong giao tiếp, ông gọi lãnh tụ Fidel là "bác", xưng "cháu" (Chủ tịch nước Trần Đại Quang kém lãnh tụ Fidel tới 30 tuổi). Fidel không đồng ý, ông bảo hãy xưng "tôi" và gọi nhau là "đồng chí". Điều này thể hiện sự trọng thị của lãnh tụ Fidel với người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.

Điều chúng tôi cảm nhận khá rõ là trong cuộc gặp hôm ấy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất băn khoăn, muốn "nhấn nhá" nhiều với các nhà báo vấn đề tuyên truyền về hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (đặc biệt là với riêng ông) "sao cho hài hòa, ý tứ". 

Ông tâm sự: "Viết về cá nhân mình - biết nói thế nào? Nói thực là tâm trạng mình không thoải mái. Mình không thích nịnh đâu. Làm sao viết phải để người được khen cũng thấy thỏa mãn". Ông nêu dẫn chứng về sự kiện APEC 2017: "Không chỉ là vai trò của Chủ tịch nước. Đây là chỉ đạo tập thể. Bên Đảng, bên Chính phủ, rồi cả bên Quốc hội nữa cũng chỉ đạo chứ. Cho nên có nhắc tới Chủ tịch nước thì phải gắn với cái chung. Như mình bây giờ, ở cương vị này, có thắp hương cầu nguyện là cầu nguyện chung cho đất nước, cho nhân dân chứ không phải cho riêng mình".

Đề cập tới sự kiện APEC vừa diễn ra tại Việt Nam rất thành công, Chủ tịch nước vui mừng kể: "Hôm về quê ăn giỗ vừa rồi, mấy cụ ở làng mình cũng nói về APEC. Nói vậy để thấy, qua sự kiện này, hầu hết người dân ta mới biết thế nào là APEC, thế nào là hội nhập quốc tế".

Chủ tịch nước cho biết, trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, với vai trò đại diện nước chủ nhà, một ngày ông chỉ ngủ được vài ba tiếng. Đặc biệt buổi trưa ông không dám ngả lưng: "Ăn trưa xong, vệ sinh răng miệng xong là đi luôn. Chứ nếu ngủ là thiếp đi, ngủ luôn. Gọi sẽ khó dậy và dậy khó làm việc hiệu quả".

Mặc dù điều hành Hội nghị APEC 2017 khi sức khỏe không được sung mãn, song với những nỗ lực vượt bậc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được dư luận trong và ngoài nước đánh giá là đã thực hiện rất tốt chức trách nhiệm vụ được giao. 

Về việc này, ông nói hóm: "Không phải chỉ là ngoại giao, tay bắt mặt mừng thôi đâu, mà thực sự phải lao tâm khổ tứ nhiều đấy. Như khi đại biểu các nước phát biểu, "ông chủ nhà" phải tập trung lắng nghe, nắm bắt vấn đề rồi khi kết luận, tóm tắt, gom lại các ý kiến phù hợp với chủ đề chung. Điều này đâu phải dễ dàng, bởi có phải họ viết trước rồi đưa mình xem văn bản trước đâu".

Tác giả bài viết chụp ảnh kỷ niệm cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau buổi gặp gỡ của ông với nhóm phóng viên chuyên trách tại Phủ Chủ tịch (chiều 26-12-2017).

Nói tới đây, Chủ tịch nước chia sẻ thêm: "Sau APEC, mấy bác cựu nguyên thủ gọi điện cho mình, nói: Không ngờ qui mô APEC như vậy. Xem tivi thấy cậu đi lại như con thoi. Mình ngồi xem tivi còn thấy mệt, huống hồ cậu trực tiếp…".

Căng mình ra tiếp đón các đoàn khách quốc tế và điều hành Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không quên quan sát cách hành xử của các đại biểu. Và, ở khía cạnh này, ông có những nhận xét vừa hóm hỉnh vừa tinh tế. 

Đây là nhận xét về Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump: "Trên mạng có người nói bậy là ông ngủ gật. Không phải, mà là ông dim dim mắt. Ở một số nơi khác, thỉnh thoảng ông cũng vẫn có động tác như thế. Hôm ấy, ông khen: Món ăn rất ngon. Nếu ra Hà Nội, chắc ngài sẽ đãi tôi nhiều món ăn ngon hơn. Nói chung các đại biểu nói lịch sự vậy thôi, thực ra họ ăn rất ít".

Nhân câu hỏi của nhà báo Yên Ba (Trưởng Phòng Thời sự quốc tế, Báo Quân đội nhân dân) về những kỷ niệm thời đi học, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho hay, tới khi hết cấp 3 ông cũng chưa có xe đạp để đi. Phải đi bộ đi học. Mà đi bộ trên chặng đường dài, dép cao su tụt quai liên tục, ông phải đi chân trần đến… chai chân. 

Ông chia sẻ với các nhà báo một kỷ niệm: "Vì tớ cao nên hay bị xếp ngồi cuối lớp. Một hôm, do dép tụt quai nhiều lần, mình đến lớp muộn, phải lén chui qua rào vào lớp. Cô giáo đang giảng bài chợt dừng lại hỏi cả lớp: Các em biết lớp ta có gì mới không? Cả lớp quay qua mình cười ồ. Thì ra, vì mình cao như vậy nên làm gì cũng không… giấu được ai cả".

Trong buổi trò chuyện với các nhà báo hôm ấy, có một điều chúng tôi cảm nhận rõ là Chủ tịch nước đặc biệt trăn trở, không hài lòng với cách tác nghiệp của một số nhà báo mà theo ông là "đưa tin lập lờ", "gây chia rẽ, hoài nghi trong nội bộ". Ông nêu quan điểm: "Viết như thế là làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng; làm nghi ngờ phe phái; làm sai lệch mục đích chính của chúng ta là đấu tranh chống tham nhũng làm trong sạch xã hội".

Ông kể câu chuyện: Lần ấy (khi  đang là Bộ trưởng Bộ Công an), ông được mời về tỉnh nọ dự lễ khánh thành một cây cầu. Trên đường về Hà Nội, lãnh đạo một doanh nghiệp có mặt trong lễ khánh thành nói trên ngỏ lời mời ông ghé qua trụ sở Công ty, gọi là để "tham quan dây chuyền sản xuất và động viên anh chị em công nhân Công ty". Thấy lời mời tha thiết, và cũng tiện đường nên ông đồng ý. 

Tại trụ sở Công ty, lãnh đạo doanh nghiệp nọ đặt vấn đề muốn ông trồng một cây lưu niệm để ghi dấu chuyến thăm. Trong khi ông chưa biết trả lời sao thì chợt ngước nhìn lên bức ảnh đóng khung treo trang trọng trên tường phòng khách, ông phát hiện ra cái cây mà lãnh đạo doanh nghiệp nọ đang mời ông trồng…lưu niệm ấy cũng đã được một lãnh đạo khác thực hiện nghi thức trồng…lưu niệm từ trước đó. 

Chưa hết, quay qua bức ảnh bên cạnh, ông giật mình thấy hình mình trong bộ quân phục với hàm hiệu chỉnh tề; cạnh bên lô nhô một số người và tất nhiên là không thiếu... "ông chủ" của Công ty nọ. Rất giận, ông hỏi ngay vị lãnh đạo Công ty: "Ảnh này ở đâu ra? Hình tôi trong ảnh là hình ghép phải không?". Đến nước này, vị lãnh đạo Công ty buộc phải thừa nhận: "Em thần tượng anh từ lâu nên em ghép ảnh anh vào cho sang…Mong anh thông cảm…".

Qua buổi trò chuyện, có thể thấy Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc nhiều và rất quan tâm đến những thông tin trên mạng xã hội. Điều này không có gì khó hiểu khi ta biết, sinh thời ông từng cho xuất bản (tại NXB Công an nhân dân) một cuốn sách lấy tên là "Không gian mạng - tương lai và hành động". 

Còn nhớ, khi ông nói ông chỉ còn hơn nửa tiếng nữa dành cho các nhà báo vì chuẩn bị tới giờ tiếp khách quốc tế, anh Vũ Quang Tuấn, Trợ lý Chủ tịch nước gợi ý với chúng tôi: Có hỏi gì Chủ tịch về các thông tin xấu độc, thất thiệt trên mạng xã hội xung quanh chuyện "bác Quang thật", "bác Quang giả" thì hỏi luôn đi.

Mới nghe tới đó, Chủ tịch nước chủ động nói luôn: "Đấy, đấy, họ đưa tin rất bậy. Đến nỗi, khi mình đi tiếp xúc cử tri, có bác cán bộ hưu trí tới sát bên mình, nắn nắn tay mình, hồ hởi nói: Đúng rồi, ông Quang thật rồi, thế mà chúng nó cứ bảo là…giả".

Chủ tịch nước cho biết, phải cấp thiết cho ra đời Luật An ninh mạng. "Trên mạng, hiện họ đưa nhiều thông tin nhảm, xuyên tạc sự thật, không có lợi cho cái chung. Tại Hội nghị APEC, tôi có đặt vấn đề với một số đại biểu quốc tế về sự cần thiết phải có Luật An ninh mạng. 

Tôi bảo: Chúng tôi đang nhờ các nước xây dựng Chính phủ điện tử nên làm sao có chuyện cấm đoán internet. Chỉ để ngăn chặn những người sử dụng không lành mạnh. Tôi nói, với những trường hợp thông tin kích động bạo loạn, vu cáo, xuyên tạc sự thật, các ông có cần phản ứng không. Họ đều trả lời: Có chứ! Trung Quốc họ quản lý chặt hơn mình nhiều. Họ còn quản lý cả cà phê internet".

Như ở phần đầu bài đã nói, buổi trò chuyện của Chủ tịch nước với nhóm nhà báo chúng tôi hôm ấy kéo dài tới gần ba tiếng đồng hồ. 

Thậm chí, có lúc ông nói tới giờ ấy, giờ ấy ông phải tiếp khách, nhưng rồi mạch câu chuyện khiến ông… "băng" luôn qua thời khắc hẹn nói trên. Có lẽ không muốn ngắt "mạch chuyện" đang sôi động nên các Trợ lý của ông - dù đang ngồi đó hoặc ở quanh đó - cũng không ai nhắc ông kết thúc câu chuyện.

Và vì thế, đây cũng là một "điểm nhấn" khiến nhóm nhà báo chúng tôi hôm ấy hẳn sẽ còn nhớ mãi buổi gặp gỡ, trò chuyện thân tình này với Chủ tịch nước Trần Đại Quang…

(Hà Nội, 22-9-2018 - một ngày sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần).

Phạm Khải
.
.
.