Cho đồng bằng Sông Cửu Long đặc thù, phải tính đến các vùng miền khác

Thứ Ba, 21/02/2017, 13:23
“Đồng bằng sông Cửu Long không phải là nơi khó khăn nhất, nếu quy định chính sách đặc thù thì nên có tính toàn diện trong các vùng miền” – Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến nói.


Tiếp tục phiên họp thứ 7, sáng nay, 21-2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc cho phép áp dụng hệ số đặc thù ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 đối với các xã vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tờ trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thừa uỷ quyền của Chính phủ trình bày cho biết, vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố, là vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất lương thực để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng là vùng trọng điểm về sản xuất thuỷ sản. Nơi đây thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn trên phạm vi lớn và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu…

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến thảo luận tại phiên họp

Kết quả thẩm định và đánh giá kết quả đầu tư cho thấy suất vốn đầu tư bình quân để xây dựng nhà ở, các công trình công cộng ở vùng ĐBSCL (đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa) cao hơn nhiều so với suất vốn đầu tư bình quân của cả nước do Bộ Xây dựng công bố.

Để các xã vùng ĐBSCL tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, tờ trình đề nghị UBTVQH xem xét bổ sung 1.244 xã (trong đó có 544 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và đặc biệt khó khăn) thuộc 12 tỉnh vùng ĐBSCL (không bao gồm 36 xã của TP. Cần Thơ) vào nhóm đối tượng đặc thù được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến đưa ra tỷ lệ số xã đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM trên cả nước là hơn 26%, ở ĐBSCL là hơn 20%, trong khi khu vực miền núi phía Bắc chỉ đạt một nửa so với ĐBSCL. “Như vậy ĐBSCL không phải là nơi khó khăn nhất, nếu quy định chính sách đặc thù thì nên có tính toàn diện trong các vùng miền” – ông phân tích.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc lưu ý cần tham khảo quyết định danh mục các xã khó khăn do Chính phủ quy định cho thống nhất, tránh tình trạng không công bằng giữa xã này với xã khác, xã vùng này với xã vùng khác…

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lại băn khoăn về vấn đề lựa chọn tiêu chí đối tượng đặc thù được ưu tiên hỗ trợ. “Tôi thấy các vùng ở ĐBSCL không có đặc thù gì khác biệt so với các vùng khó khăn khác. Như ở xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, tôi được biết tiền công chở nguyên vật liệu xây dựng ở đây cao gấp 4-5 lần so với xây ở TP. Hoà Bình. Theo tôi cần có quy định công bằng với các địa phương trên toàn quốc” – đại biểu đề nghị.

“Tôi là đại biểu của Ninh Thuận, vùng cực kỳ khó khăn mà không được coi là đặc thù. Biến đổi khí hậu còn khốc liệt, nhiều năm và đi trước so với ĐBSCL rất nhiều. Nếu chỉ coi đây là đặc thù thì có đúng không, các địa phương khác rất suy nghĩ” – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương đồng tình. Ông bày tỏ ái ngại vì ĐBSCL đặc thù gì mà cả một vùng rộng lớn như vậy, trong điều kiện ngân sách có hạn đề nghị phải chọn kỹ khu vực.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, qua thực tế đi giám sát, làm việc với các tỉnh ĐBSCL thì ngoài 544 xã diện nghèo, khó khăn, bãi ngang… như các xã ở Hoà Bình, Cao Bằng, số xã còn lại nếu không được bổ sung vốn đầu tư sẽ gặp khó khăn.

Tuy nhiên báo cáo của Bộ NN&PTNT lại chưa làm rõ được 1.244 xã thuộc diện được hỗ trợ xây dựng NTM thì đã có 544 xã trong diện ưu tiên rồi, trừ 266 xã đã hoàn thành thì chỉ còn 434 xã. “Do các đồng chí nói không rõ, cả 1.244 xã đều phải điều chỉnh lên cao hơn so với mặt bằng chung thì không hợp lý. Cần phải làm rõ ra vùng nào, xã nào không cần hỗ trợ. Mức hỗ trợ là bao nhiêu…” – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao Uỷ ban Tài chính – Ngân sách phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ Kế hoạch – Đầu tư tính toán, hoàn chỉnh lại Nghị quyết để tiếp tục báo cáo, xin ý kiến UBTVQH.

Quỳnh Vinh
.
.
.