Chính thức công bố lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự và 3 Bộ luật liên quan

Thứ Năm, 30/06/2016, 13:41
Sáng 30-6, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết lùi hiệu lực thi hành của các Bộ luật Hình sự và 3 Bộ luật liên quan.

Đó là các Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành của các Bộ luật nói trên. Cụ thể, Điều 1: bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai.

Ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước.

Lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 từ ngày 1-7-2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này.

Tiếp tục áp dụng Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12), Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH1 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12), Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ban hành theo Quy chế về tạm giữ, tạm giam (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 89/2002/NĐ-CP và Nghị định số 09/2011/NĐ-CP của Chính phủ) cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.

Kể từ ngày 1-7-2016: thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3, Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13.

Quang cảnh buổi họp báo

Áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 tại điểm a khoản này; Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự có ghi thời điểm “ngày 1-7-2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành”.

Điều 2: Giao TAND tối cao hướng dẫn thi hành điểm a và điểm b khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết này. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 30-6-2016.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Sai sót này thuộc về trách nhiệm của Quốc hội, về các đại biểu Quốc hội, với tư cách cá nhân là đại biểu Quốc hội, ông Luật nhận trách nhiệm trước cử tri, nhân dân, với Đảng và Quốc hội. “Tới đây sẽ làm rõ hơn trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra về những sai sót này” – ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.

Ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNT tối cao giải thích: “3 luật  là Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 không sai nhưng vì đều liên quan đến việc phát hiện, điều tra, truy tố nên cũng lùi hiệu lực thi hành.

Theo ông Nguyễn Văn Luật thì Quốc hội quyết định lùi lại hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự là để Quốc hội cũng như các cơ quan có trách nhiệm có thời gian rà soát một cách kỹ lưỡng với tinh thần không bỏ sót, không bỏ lọt, không để xảy ra sai sót tiếp theo và trình Quốc hội khóa XIV.

Trần Hằng
.
.
.