Chính phủ sẽ “tuyên chiến” với hành vi bơm tạp chất vào tôm

Thứ Sáu, 07/04/2017, 08:51
Trong cuộc họp với ngành tôm tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ sẽ “tuyên chiến” với những hành vi bơm nước, hóa chất, tạp chất, chì vào tôm để trục lợi bất chính. Tuy nhiên, đây là “cuộc chiến” không đơn giản bởi gần 20 năm nay, dù các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã nhiều lần có “chiến dịch” ngăn chặn nhưng vì lợi nhuận, nhiều cơ sở, thậm chí là doanh nghiệp lớn cũng vẫn vi phạm.


Thực tế từ năm 1998 đến nay, Bộ Thủy sản trước đây và hiện là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai nhiều chương trình ngăn chặn việc đưa tạp chất vào tôm nhưng vẫn chỉ ở mức phát hiện và xử phạt, chưa ngăn chặn được tận gốc hành vi kinh doanh bất chính này. Uy tín của mặt hàng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều lô hàng đã bị Nhật Bản và Hàn Quốc cảnh cáo.

Mới đây nhất, ngày 28-3, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cùng các cơ quan chức năng của tỉnh vừa bắt quả tang gần 20 người đang bơm tạp chất vào tôm tại một cơ sở thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn thị xã Giá Rai. Ngay tại chỗ, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm nghiệm nhanh và xác định đã có khoảng 55 ký tôm có chứa tạp chất agar (còn gọi là rau câu).

Sau khi làm việc với đại diện cơ sở, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số tôm cùng một số tang vật như bình nén có chứa chất agar, 2 đoạn ống dẫn tạp chất dài 5m, 16 ống bơm chích vào tôm và 2 thùng thành phẩm rau câu… để xử lý theo quy định.

Công an tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang cơ sở thu mua tôm tổ chức bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Ảnh: Minh Luân

Theo ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cơ sở này đã có hành vi bơm chích tạp chất vào tôm trong một thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi nên phần nào gây khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.

Điều đáng nói, đây là lần thứ 3 chỉ trong vòng nửa tháng, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đã liên tục phát hiện và bắt giữ gần 2 tấn tôm nguyên liệu (chủ yếu là tôm sú) có chứa tạp chất. Hầu hết số tôm vi phạm đều có xuất xứ từ địa bàn thị xã Giá Rai. Cả năm 2016, chỉ tính riêng tỉnh Bạc Liêu, cơ quan chức năng đã phát hiện 32 vụ, với 2.685ký tôm có chứa tạp chất, và đã tiến hành xử phạt trên 2,1 tỷ đồng.

Ông Buôl cho biết, do vấn đề cung cầu, nguồn nguyên liệu khan hiếm, vì lợi nhuận cao nên một số doanh nghiệp đã ký cam kết nhưng chưa có quyết tâm “nói không với tạp chất”. Việc đưa tạp chất vào tôm được tổ chức tinh vi hơn, đối tượng vi phạm luôn tìm cách đối phó và sẵn sàng chống đối với lực lượng chức năng.

Trao đổi với báo chí ngày 4-4,  ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNTcho biết, đề án “kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất” vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không thu mua tôm tạp chất.

Ông Tiệp khẳng định, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về tạp chất. Chính phủ cũng đã giao các bộ liên quan rà soát để có thể áp dụng xử lý hình sự với hành vi này.

Thông tin từ Cục Nafiqad cho biết, trong năm 2017, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra và phạt nặng các cơ sở vi phạm. Dự kiến đợt thanh tra sẽ được tiến hành vào tháng 4, tháng 5 với sự tham gia của Bộ NN&PTNT và Bộ Công an.

“Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và vệ sinh thực phẩm cho phép phạt đến 7 lần giá trị hàng hóa nếu đối tượng vi phạm là doanh nghiệp và 3 lần giá trị hàng hóa nếu đối tượng vi phạm là cá nhân. Hàng hóa giá trị 100 triệu đồng, mức phạt nếu vi phạm là 300 - 700 triệu đồng thì theo tôi là không thấp. Tuy nhiên, do bơm chích tạp chất vào tôm sẽ được hưởng siêu lợi nhuận từ việc tăng trọng lượng và tăng kích cỡ tôm nên dù mức phạt hành chính hiện hành cao (Cà Mau từng có doanh nghiệp bị phạt 500 triệu đồng), nhưng vẫn chưa xử lý được tình trạng bơm tạp chất vào tôm”, ông Tiệp chia sẻ.

Cục trưởng Cục Nafiqad kiến nghị, các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ thì việc xử lý tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm mới thật sự hiệu quả. “Cơ sở thu gom tôm có bơm tạp chất hay không thì địa phương biết đầu tiên, vì chủ cơ sở không thể làm một mình, họ phải thuê người và trả công cho người bơm tạp chất. Nhưng vấn đề là địa phương đã tập trung rà soát để phát hiện hay chưa?”, ông Tiệp băn khoăn.

Diệp Linh
.
.
.